Chuyên gia Việt Nam giải mã chuyến đi Trung Quốc của Kim Jong Un

Thuý Đăng (Thực hiện) Thứ ba, ngày 08/01/2019 13:00 PM (GMT+7)
“Ông Kim Jong Un thăm Trung Quốc có thể thúc đẩy, tìm ra giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, như hạt nhân hoá Triều Tiên hay không, nhưng bản chất, Trung Quốc vẫn sử dụng con bài Triều Tiên để gây sức ép với Mỹ”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường- Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế  (CSSD) bình luận khi trả lời phỏng vấn Dân Việt.
Bình luận 0

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) lên đường tới Trung Quốc ngày 8.1.2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN).

Nhà lãnh đạo Triều Tiên ông Kim Jong-un được cho là đang có chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc. Chuyến thăm được thực hiện ngay trong tuần đầu tiên của năm mới, hẳn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với quan hệ Trung –Triều thưa ông?

- Truyền thông Triều Tiên và Trung Quốc cũng đã đăng tin xác nhận chuyến thăm của ông Kim Jong Un đến Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kim Jong Un đến Trung Quốc trong năm 2019, tuy nhiên nếu xét về thời điểm tại sao lại chọn ngay trong tuần đầu của năm mới, theo tôi cũng không có gì quá đặc biệt. Thời điểm nào không quan trọng, đây chỉ là chuyến thăm ngoại giao của nhà lãnh đạo Triều Tiên sang Trung Quốc, để rồi vào giữa năm nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lại có chuyến thăm Triều Tiên. Tôi cho rằng không nên làm trầm trọng hoá chuyến thăm này. Có thể, một số thoả thuận sẽ đạt được trong chuyến đi này, nhưng điều đó không phải là chìa khoá then chốt để giải quyết bản chất vấn đề.

Xét về quan hệ Mỹ và Trung Quốc, đó là mối quan hệ vờn nhau, gài nhau. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Bắc Kinh giúp nâng cao vai trò của Trung Quốc, nhưng về cơ bản, Mỹ -Trung vẫn tiếp tục gài nhau nhưng sẽ không gay gắt, mà là cầm cự để đủ gây ảnh hưởng cho quan hệ Mỹ-Triều.

Nói về quan hệ Mỹ-Triều, liệu có phải là dấu hiệu cho một năm sóng gió hay không khi trong thông điệp đầu năm mới 2019, ông Kim Jong Un cảnh báo rắn rằng, nếu Mỹ không giảm nhẹ hạn chế  trong quan hệ với Triều Tiên thì Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân của mình?

-Chắc chắn quan hệ Mỹ- Triều sẽ chưa thể giải quyết được những vấn đề nóng giữa họ. Nhưng năm nay, 2 bên sẽ phải làm lành, giải quyết mọi vấn đề đều cần có nhượng bộ lẫn nhau bởi gây sóng gió chỉ có thiệt cả đôi bên. Với những tiến bộ nhất định mà Mỹ và Triều Tiên đã đạt được trong năm qua, không cho phép họ quay trở lại, không thể để cho những nỗ lực đó thành “xôi hỏng, bỏng không” được.  Nên, nếu nhìn từ bên ngoài, chúng ta có thể thấy Mỹ -Triều luôn “gầm gè” nhau nhưng không gay gắt được.

Chuyến đi Trung Quốc lần này của ông Kim Jong Un có thể thúc đẩy, tìm ra giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, như hạt nhân hoá Triều Tiên hay không, nhưng bản chất, Trung Quốc vẫn sử dụng  con bài Triều Tiên để gây sức ép với Mỹ. Trong năm nay hy vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề, nhưng cục diện của bộ ba Mỹ- Trung-Triều là câu chuyện lâu dài và rối rắm.

img

Sáng 8.1, chiếc Mercedes-Benz S600 Pullman Guard được cho là chở theo nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện với cảnh sát hộ tống trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có lối thoát lâu dài khi việc đình chiến thương mại với Mỹ (đạt được nhờ cuộc gặp trực tiếp giữa ông Trump và ông Tập) chỉ còn kéo dài chừng 2 tháng nữa. Vậy, chuyến thăm của ông Kim Jong Un có phải là có lợi hơn cho Trung Quốc ở thời điểm này?

Các thách thức về thương mại mà ông Tập Cận Bình phải đương đầu do sức ép từ phía chính quyền ông Trump lại xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm – ngay trước năm 2019, năm được cho là quan trọng nhất đối với sự nghiệp của ông Tập Cận Bình. Như chúng ta biết, hiện nay Phó đại diện thương mại Mỹ đang có chuyến thăm Bắc Kinh để bàn thảo các vấn đề liên quan đến thương mại Mỹ-Trung. Còn 52 ngày nữa, các nút thắt thương mại Mỹ-Trung có giải quyết được hay không sẽ phần nào quyết định được tương lai mối quan hệ này. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, quan hệ thương mại chỉ là một mắt xích quan trọng trong quan hệ Mỹ -Trung. Bản chất của mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh từ nhiều năm trước, hiện tại và nhiều năm sau vẫn là mối quan hệ cạnh tranh của hai ông lớn. Quan hệ Mỹ-Triều thực ra hỗ trợ cho quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ luôn kìm chế Trung Quốc và chính sách Triều Tiên cũng là nhằm phục vụ cho điều đó. Triều Tiên là một phần trong bức tranh chung của quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

img

 Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế.

Thưa ông, hiện có nhiều thông tin đồn đoán rằng, sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai và nhiều khả năng, địa điểm được chọn để hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên gặp mặt là một thành phố ở Việt Nam, quan điểm của ông về dự đoán này như thế nào?

Trong "quả hồ lô" của cả hai bên Mỹ và Triều Tiên đều có rất nhiều sự lựa chọn. Thông tin bạn vừa đề cập hiện nay cũng chỉ là tin đồn. Cũng có thể thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ trở lại Singapore, hoặc một thành phố nào đó ở châu Âu và cũng có thể là ở Hàn Quốc, hay Đà Nẵng của Việt Nam...Tất cả đều là sự lựa chọn. Nhưng quan trọng phải có kết quả cụ thể nhượng bộ giữa hai bên mới có thể nói được rằng họ có thể tiếp tục ngồi lại với nhau lần 2 hay không. 

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem