Kịch bản nào cho Syria sau cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp

Vỹ Lăng Thứ hai, ngày 16/04/2018 10:44 AM (GMT+7)
Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào chính phủ Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Theresa May đã lựa chọn mức độ can thiệp quân sự tối thiểu chứ không phải tối đa, chắc chắn không bị thua thiệt nhiều nhất chứ không phải nhằm có được tác động quân sự lớn nhất, tránh rủi ro chứ không mạo hiểm.
Bình luận 0

img

Liên quân đã không phát động cuộc chiến tranh mới ở Syria mà chỉ tiến hành một trận không kích bằng tên lửa từ xa, như năm ngoái Mỹ đã hành động ở Syria nhưng với mức độ lớn hơn và nhằm vào nhiều mục tiêu cụ thể hơn.

Họ tránh gây hấn trực tiếp với Nga và Iran ở Syria, tung đòn quân sự nhằm vào chính phủ Syria đồng thời tìm kiếm tác động chính trị của nó đối với Nga và Iran.

Những nước này dẫu rất muốn nhưng không theo đuổi vì biết không thể dùng chiến tranh và sức mạnh quân sự để lật đổ tổng thống Syria Bashir al-Assad và thay đổi chính thể hiện tại ở Syria, nhưng chắc chắn sẽ còn can thiệp quân sự như vừa rồi để không bị gạt ra ngoài tiến trình chính trị mà Nga đang cùng đồng minh vận hành cho tương lai của Syria.

Sau trận không kích vừa rồi, Mỹ và đồng minh sẽ lại chờ dịp có cớ hoặc tạo dựng được cớ khi cần thiết cho lợi ích của họ để lại can thiệp quân sự vào Syria.

Trong thời gian tới, họ sẽ chưa tính đến chuyện tấn công quân sự như vừa rồi mà sẽ tập trung vào cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý với Nga để "hợp pháp hoá" việc sử dụng bạo lực quân sự vừa rồi ở Syria và tạo điều kiện để sẵn sàng lại hành động như vậy trong tương lai.

Ngay sau trận không kích vừa rồi, Mỹ cùng với Anh và Pháp tập hợp đủ lực lượng trong Hội đồng Bảo an LHQ để bác bỏ dự thảo nghị quyết của Nga với nội dung lên án việc tấn công Syria.

Bộ ba này, đi đầu là Pháp, còn chuẩn bị một dự thảo nghị quyết khác để đưa ra Hội Đông Bảo an LHQ với những nội dung mà họ biết chắc chắn rằng sẽ bị Nga phản đối và phủ quyết. Hai phía sẽ còn tiếp tục dền dứ nhau như thế trong thời gian nữa ở diễn đàn LHQ.

Sẽ không có chuyện hai bên nhượng bộ nhau một cách đơn giản và dễ dàng ở khuôn khổ diễn đàn này bởi bản chất cuộc đấu xoay quanh câu trả lời cho câu hỏi ai đúng ai sai trong chuyện vũ khí hoá học ở Syria, từ trước đây cũng như trong chuyện vừa qua để từ đó dẫn dắt đến chuyện đúng hay sai khi tiến hành tấn công quân sự vào chính phủ Syria, sâu xa hơn nữa là đánh giá ông Assad còn xứng đáng hay không thể được chấp nhận nữa trong giải pháp chính trị cho tương lai của Syria.

Đồng thời với cuộc đấu ngoại giao và pháp lý này, phía Mỹ và đồng minh chắc sẽ phải nỗ lực và tìm cách hợp tác với Nga và những đồng minh của Nga bởi càng đối địch với Nga thì sẽ càng khó có được phần trong tiến trình chính trị cho tương lai của Syria.

Tuy nhiên, sau những gì xảy ra trong thời gian vừa rồi giữa các nước Phương Tây và Nga, đặc biệt chuyện đầu độc ở Anh và cuộc tấn công vào chính phủ Syria, việc giảm căng thẳng và khôi phục hợp tác giữa hai bên không thể dễ dàng và nhanh chóng được.

Phía Nga và đồng minh cũng phải rút ra cho họ những bài học cần thiết. Họ phải chú ý không chỉ tạo cớ mà còn ngăn cản phía bên kia dựng tạo cớ để lại can thiệp quân sự vào Syria, cản phá tiến trình chính trị mà họ đang vận hành ở Syria.

Họ đồng thời phải thúc đẩy tiến trình này để đạt được kết quả thực chất và cơ bản hơn để nó không thể bị đảo ngược. Đồng thời, họ cũng còn không thể không tính đến và để ngỏ khả năng cho phía bên kia tham gia vào tiến trình này, nhưng chắc chắn chỉ ở mức tham gia chứ không thể cùng dẫn dắt.

Trước mắt, ở Syria sau trận không kích vẫn như trước đó. Nhưng về lâu dài thì sẽ có những chuyển biến quan trọng mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem