Nhật ký bằng thơ của đại tá đặc công

Thứ ba, ngày 25/01/2011 17:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bao tâm tư, tình cảm riêng - chung của 41 năm phục vụ trong lực lượng đặc công được Đại tá Bùi Minh Hiếu ở xã Mỹ Hào, Lạng Giang (Bắc Giang) ghi lại bằng những vần thơ, dù thời gian và giấy bút eo hẹp…
Bình luận 0

Năm nay dù đã gần 80 tuổi, nhưng ông Hiếu vẫn giữ nguyên phong thái của một người lính. Những kỷ vật của đời quân ngũ được ông lưu giữ cẩn thận đầy ngăn tủ, trong đó có những cuốn nhật ký bằng thơ.

img
Đại tá Bùi Minh Hiếu say sưa kể chuyện về một thời lửa đạn.

Lịch sử ghi bằng thơ

Mở đầu cuốn "Nhật ký hành quân chiến đấu" chọn lọc ra từ hàng ngàn trang thơ, ông viết: Dòng nhật ký hành quân chiến đấu/Ghi thời gian và dấu chân đi/Vững niềm tin dưới ánh quân kỳ/Trong gian khó luyện thành gang thép.

Ngoài 4 cuốn nhật ký được đặt trong Bảo tàng Đặc công, ông còn gần 30 cuốn luôn cất giữ như báu vật trong ngăn tủ của mình. Những dòng nhật ký ấy có cả chuyện vui, buồn, thấm đẫm máu và nước mắt được ông Hiếu ghi lại bằng thơ.

Ông Bùi Minh Hiếu sinh năm 1933 trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1946 khi mới 14 tuổi, ông được anh trai Bùi Văn Ánh dìu dắt tham gia cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Hiếu có mặt ở khắp các chiến trường miền Tây, tham gia giúp cách mạng Lào.

Thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy nhưng trong những dòng thơ nhật ký của mình, ông vẫn thể hiện ý chí và lòng quyết tâm của anh bộ đội Cụ Hồ. Trong bài "Tự hào", ông viết: Đã là con cháu dõi Lạc Hồng/Mang trong huyết quản một sắc nồng/Ta đi vững bước theo cờ Đảng/Sắt son một dạ với non sông"... Những câu thơ ấy như lời thề của người lính mỗi khi ra trận, thể hiện ý chí và là niềm tin soi sáng bước chân hành quân.

Giữa mưa bom, bão đạn nhưng hình tượng người lính trong thơ Bùi Minh Hiếu vẫn oai hùng và đầy lạc quan lãng mạn. Một lần hành quân phải ngâm mình dưới sông Mê Kông, trong tình huống nguy hiểm, Minh Hiếu vẫn có thơ lục bát: Biếc xanh xanh biếc một màu/Non cao chót vót sông sâu uốn mình/Đẹp sao sơn thuỷ hữu tình/Thời gian thiên tạo bức tranh hoạ mầu. Giây phút hạnh phúc nhất khi Minh Hiếu đứng giữa Sài Gòn lộng gió trong ngày vui toàn thắng được ông ghi lại: Ta đi trong đoàn quân chiến thắng/Hôm nay về giải phóng thành đô/Đường Sài Gòn ngập tràn ánh nắng/Mừng đổi đời đỏ rực cờ hoa.

Sau hơn 40 năm trong quân ngũ với 5 lần bị thương, Đại tá Bùi Minh Hiếu trở về cuộc sống đời thường. Điều đáng buồn là thứ chất độc da cam quái ác đã cướp đi 2 người con trai của ông… Ở cái tuổi nghỉ hưu, nhưng chặng đường "hành quân" cho văn thơ của ông vẫn không ngừng, không nghỉ, như lời tựa đề của tập thơ: Tôi yêu văn vì văn là tiếng nói/ Tôi yêu thơ vì thơ là tiếng gọi tâm tình/Tôi yêu chiều và buổi sáng bình minh/Vì lúc đó cõi lòng tôi rung động.

Sự rung động cõi lòng

Trong những dòng thơ nhật ký, ông dành một phần quan trọng cho người vợ - bà Dương Thị Chanh. Những năm chồng đi bộ đội, bà Chanh một mình chăm sóc các con, được nhiều người cảm phục về người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Trong bài "Vững niềm tin" trước khi chia tay vợ ra trận, ông viết: Em! Sao em chẳng nói/ Trước giờ phút anh đi/ Đôi mi em chớp vội…/Đừng để lệ chảy tràn/ Dù muôn vàn thương nhớ/ Gửi gắm mãi miền Nam/… Khi trời quang lộng gió/ Đất nước rợp bóng cờ/ Anh của em sẽ về/Trong khúc khải hoàn ca. Tết đến, nhớ con cồn cào, ông Hiếu viết "Thư về dịp Tết" cho các con: Nếu con hỏi làng quê đón Tết/ Sao cha không nghỉ phép về chơi/ Hôn con em hãy trả lời/ Cha đi gìn giữ đất trời miền Nam/ Dành cho con cả mùa xuân/ Hòa bình thống nhất quây quần yên vui.

Trong những dòng nhật ký, ông Hiếu đã từng viết: "Có nhiều lúc ngã lòng, tôi lại vịn dòng thơ để đứng dậy và tiếp tục tiến về phía trước". Cái riêng và cái chung được ghi bằng thơ làm cho những cuốn nhật ký của ông luôn giữ được sự chân thực và giá trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem