Nhiều loại viện phí cao hơn giá dịch vụ

Thứ năm, ngày 22/07/2010 04:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu được phê duyệt, giá nhiều loại kỹ thuật của bệnh viện công - nơi được nhà nước bao cấp tiền lương, tiền công, cơ sở vật chất... lại cao đến gấp hơn ba lần giá dịch vụ chất lượng cao
Bình luận 0
img
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, với việc tăng viện phí, chưa thể nói chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao ngay.

Hôm qua, 21-7, Bộ Y tế công bố dự thảo điều chỉnh giá viện phí. Theo đó, khoảng 350/3.000 dịch vụ y tế sẽ tăng giá với mức tăng còn nhiều ý kiến tranh cãi...

Tăng cao hơn giá dịch vụ chất lượng cao

Ông Nguyễn Huy Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong số 350 dịch vụ kỹ thuật y tế dự kiến điều chỉnh tăng giá, có 70 loại sẽ tăng từ 7 - 10 lần. Đó là các loại dùng nhiều thuốc, vật tư, hoá chất, điện, nước.

Ông Quang nhấn mạnh, số tiền tăng dự kiến trên chỉ là tăng một phần, chưa phải tăng theo cách tính đúng, tính đủ. Ví dụ cắt amidan theo Thông tư 14 ban hành cách đây 15 năm chỉ thu từ 20.000 - 40.000 đồng nay sẽ tăng lên tối đa khoảng 10 lần, nhưng vẫn chưa là tính đủ, bởi vì riêng tiền thuốc mê cho kỹ thuật cắt amidan đã là 220.000 đồng; tiền bông, băng, sát trùng, kháng sinh... khoảng 400.000 đồng/ca. Với các xét nghiệm như xét nghiệm huyết đồ, từ 3.000 - 9.000 đồng tăng lên từ 7-10 lần, trong đó chỉ tăng 1 phần viện phí.

Tuy nhiên, thực tế giá kỹ thuật Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh đang cao hơn giá dịch vụ chất lượng cao đang được áp dụng ở các bệnh viện tư nhân và phòng khám bệnh dịch vụ theo yêu cầu chất lượng cao của các bệnh viện lớn.

Chẳng hạn, tại khoa 1C là khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao của bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), những thủ thuật, tiểu thủ thuật như chọc hút hạch, chọc hút tuyến giáp, chọc dò màng bụng phổi đều có giá 50.000 đồng, chọc rửa màng bụng phổi có giá 100.000 đồng/lần…

Trong khi đó, theo dự thảo của Bộ Y tế, giá chọc dò màng bụng, màng phổi là 84.000-95.000 đồng. Kỹ thuật chọc rửa màng bụng, hút khí màng phổi dự kiến tăng lên 300.000-330.000 đồng.

Như vậy, nếu được phê duyệt, giá nhiều loại kỹ thuật của bệnh viện công - nơi được nhà nước bao cấp tiền lương, tiền công, cơ sở vật chất... lại cao đến gấp hơn 3 lần giá dịch vụ chất lượng cao theo yêu cầu đã tính đúng tính đủ 100%.

Tăng chất lượng khám chữa bệnh: Chờ!

Hiện nay, tình trạng quá tải tại các bệnh viện vẫn phổ biến. Người bệnh vẫn nằm ghép đến 2 - 3 người/giường, thậm chí lúc cao điểm, có bệnh viện như bệnh viện Nhi T.Ư phải nằm ghép 4 trẻ/giường. Câu hỏi đặt ra là việc điều chỉnh tăng 10 lần tiền giường bệnh, người dân có được hưởng 1 người/giường?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế hoạch, Bộ Y tế cho rằng, giá điều chỉnh lần này áp dụng cho 1 người/giường bệnh; nếu bệnh viện ghép bệnh nhân, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn việc phải giảm tiền như thế nào.

img Viện phí chỉ là một phần, còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần giải pháp đồng bộ từ nhiều yếu tố. Hiện nay, đã có đề án nâng cao chất bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Tuy nhiên, ngay khi được điều chỉnh viện phí, Bộ Y tế sẽ có các hướng dẫn để BV, cơ sở khám chữa bệnh lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, dân tộc thiểu số, bệnh nhân khó khăn... img

Ông Nguyễn Quý Tường - Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh

Cũng liên quan tới việc tăng viện phí có tăng chất lượng dịch vụ, ông Nguyễn Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, viện phí chỉ là một phần, còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần giải pháp đồng bộ từ nhiều yếu tố. Hiện nay, đã có đề án nâng cao chất bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.

Tuy nhiên, ngay khi được điều chỉnh viện phí, Bộ Y tế sẽ có các hướng dẫn để bệnh viện , cơ sở khám chữa bệnh lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, dân tộc thiểu số, bệnh nhân khó khăn... Khi có kinh phí bù lấp vào khoản thâm hụt, các bệnh viện sẽ có tiền để tái đầu tư, không phải “giật gấu vá vai” như hiện nay.

Theo tính toán của Bộ Y tế, hiện hơn 53 triệu dân (chiếm khoảng 62% dân số) đã có thẻ Bảo hiểm y tế. Do vậy, về lý thuyết đối tượng chịu tác động lớn nhất là người không có thẻ Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hiện nay chỉ với hơn 14,7 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số đang phải đồng chi trả 5% viện phí đã khó khăn rồi, lại sẽ phải gánh thêm một phần viện phí tăng nữa, gánh nặng tăng lên nhiều.

Ông Nguyễn Huy Quang cho hay, việc người nghèo cùng chi trả 5% được quy định tại Luật Bảo hiểm y tế, vì vậy nếu có điều chỉnh thì phải đợi Quốc hội xem xét. Trước mắt, vẫn phải thực hiện theo luật hiện hành. Các địa phương sẽ dùng Quỹ khám chữa bệnh người nghèo 139 để hỗ trợ đối tượng này. Bên cạnh đó, các địa phương cần trích ngân sách để cùng hỗ trợ những trường hợp thật sự khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem