Nhiều siêu thị ở Sài Gòn bán hàng "xá”, mù mờ nguồn gốc truy xuất

Khải Huyền Thứ năm, ngày 14/06/2018 06:43 AM (GMT+7)
Các sản phẩm từ trái cây, thịt gà, thịt heo, cá biển… được bán đổ đống, người mua tự do lựa chọn, trong khi sản phẩm cũng không có nhãn mác, không ghi địa điểm xuất xứ, hạn sử dụng…
Bình luận 0

Đầu tuần tháng 7, cửa hàng Bách hóa Xanh (thuộc CTCP Thế giới Di động) trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM) nhộn nhịp người mua- bán. Nhân viên bán hàng vừa chọn hàng, sơ chế cho khách, vừa nhanh miệng “quảng cáo” những sản phẩm giảm giá, khuyến mãi và mời bà con mua hàng. Không khí nhộn nhịp như một khu chợ thu nhỏ.

Tại quầy thịt, rất nhiều loại thịt được treo trên móc hoặc để trong khay inox, người mua hàng tự do lựa chọn, bỏ vào bọc nilong rồi mang cho nhân viên cân hàng, tính tiền.

img

Rau "100% đạt chuẩn VietGAP, An toàn" nhưng không có tên nhà cung cấp hay hạn sử dụng...

Chị Nguyễn Kim Ngân (ngụ đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TP.HCM) vừa đưa tay chọn hàng, vừa cho biết, việc tự chọn các món thịt vừa ý, số lượng vừa đủ nhu cầu cho gia đình giúp chị thuận tiện hơn trong việc mua sắm. Vì đôi lúc, các vỉ hàng đóng gói sẵn của cửa hàng không “sờ tận tay” được, số lượng lại đôi lúc quá nhiều hoặc quá ít khiến chị khó khăn trong việc chế biến cho gia đình.

Không chỉ các món thịt, cá, rau xanh cũng được hệ thống cửa hàng này bày từng rổ từng rổ cho khách lựa chọn, mua bao nhiêu tùy ý. Các sản phẩm thịt, hải sản… nhập về trong ngày được bán đúng giá niêm yết còn những sản phẩm cũ, qua ngày được nhân viên “quảng cáo” giảm giá đến 50%.

Tương tự Bách hóa Xanh, gian hàng tự chọn của BigC, Co.opMart hay cửa hàng tự chọn của SatraFood… cũng có nhiều quầy hàng được bày bán “đổ đống” cho người mua tự chọn. Các sản phẩm chỉ ghi tên mặt hàng và giá bán, hoặc nhiều thì có thêm các nhãn về tiêu chuẩn chất lượng như “trái cây an toàn” hoặc “Đạt chuẩn VietGAP”…, hoàn toàn không có nguồn gốc, tên tuổi đơn vị sản xuất hoặc hạn sử dụng… Đặc biệt, gian hàng cá biển từ nhiều năm nay, đều chỉ ghi tên sản phẩm và giá sản phẩm, không khi nào có tên nhà cung cấp hoặc thời gian bảo quản, hạn sử dụng…

img

Khách hàng mua sản phẩm tự chọn, bao nhiêu tùy ý tại các gian hàng bán kiểu "hàng xá" trong siêu thị.

Ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm 3F, một cơ sở sản xuất chuyên cung cấp sản phẩm gia cầm cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa…, cho rằng, việc bán dưới hình thức cho khách hàng tự chọn là nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng. Mô hình này không chỉ tại được áp dụng tại Việt Nam mà còn phổ biến tại nhiều nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…

Mô hình này tạo không gian thân thiện, quen thuộc với nhiều người nội trợ Việt Nam, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều kẽ hở, rủi ro cho cả cơ sở bán lẻ và nhà cung cấp. Vì nếu không được bảo quản đúng cách, thực phẩm có thể dễ dàng bị nhiễm bẩn, dị vật từ bên ngoài cũng dễ dàng rơi vào sản phẩm gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đó là chưa kể, một số loại thực phẩm phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, mà khi đã “đổ đống”, bán kiểu hàng xá… thì nhiệt độ bảo quản khó đảm bảo, dễ dẫn đến tình trạng ôi thiêu, hư hỏng.

Đại diện một cơ sở kinh doanh, chế biến gia cầm tại Long An, chuyên cung cấp sản phẩm về TP.HCM tiêu thụ cũng cho biết, nhà cung cấp thường đóng gói sản phẩm trong bao bì lớn, nhiều mức trọng lượng khác nhau hoặc theo yêu cầu của siêu thị. Đôi lúc, để tiết kiệm chi phí bao bì, siêu thị yêu cầu nhà cung cấp đưa đến kho những gói hàng lớn, từ 10 – 20kg, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sau đó sẽ phân nhỏ để đóng gói lại hoặc bán “đổ đống”, tùy theo định hướng kinh doanh của từng cơ sở.

img

Thay vì đóng gói, đóng vỉ và dán nhãn với đầy đủ thông tin, nhiều siêu thị bày bán rau, thịt... theo từng rổ để khách hàng tự chọn.

Việc để khách hàng tự chọn món hàng muốn mua, với số lượng thích hợp của từng người tạo điều kiện thuận lợi cho người mua. Tuy nhiên, khi có sự cố về chất lượng sản phẩm, nhà bán lẻ và cả nhà cung cấp sẽ rất khó để truy xuất nguồn gốc, xác định được nguy cơ đến từ đâu.

Như mới đây, một khách hàng mua đùi gà tại một cửa hàng Bách hóa Xanh nhưng khi về mở ra lại phát hiện có giun trong sản phẩm. Khi mang đến cửa hàng để “phản ánh”, hai bên “không ai chịu ai” vì sản phẩm đã mở bao bì, không nhãn mác.

Sự việc giằng co nhiều ngày khiến doanh nghiệp này cho biết, sẽ xem xét lại mô hình bán hàng tự chọn đang vận hành như hiện nay. Còn theo đại diện BigC, để hạn chế các rủi ro khi bán hàng tự chọn, kiểu hàng “xá” trong siêu thị, doanh nghiệp này có biển thông báo cho khách hàng ở mỗi quầy, gồm tên sản phẩm, giá tiền, tên nhà cung cấp. Big C cũng lưu lại thông tin bao bì mỗi lô, nếu có.

Còn đối với thịt heo, thịt bò tươi, nếu có sự cố về chất lượng sau khi đến tay khách hàng, cửa hàng sẽ truy xuất ngày nhập, nhà cung cấp sản phẩm… Từ đó, sẽ truy ngược lại quá trình kiểm soát trước đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem