Thầy Văn Như Cương và ngôi trường mơ ước ở Nà Ngao

Trịnh Thanh Thủy Thứ năm, ngày 20/09/2018 06:55 AM (GMT+7)
Gần 1 năm sau ngày thầy Văn Như Cương đi xa, di nguyện của thầy về việc xây dựng một ngôi trường mầm non cho trẻ em nghèo ở Nà Ngao, một trong những bản khó khăn nhất của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã thành hiện thực
Bình luận 0

Ngày 15.9.2018, một ngôi trường mới khang trang trên diện tích 400m2 dành cho trẻ em mầm non ở Nà Quang đã hoàn thành. Thầy trò trường Lương Thế Vinh chúng tôi đã về đây tham dự lễ khánh thành trường trong niềm xúc động lớn lao.

Vất vả đường đến Nà Ngao

Sáng ngày 14.9 chúng tôi tập trung ở trường để cùng nhau đến bản Nà Ngao. Hơn 50 người gồm Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh đại diện cho nhà trường đã vượt chặng đường hơn 300km từ Hà Nội đến Hà Giang. Tới ngã ba đường cái lớn huyện Bắc Quang đã hơn 7 giờ tối. Trời lất phất mưa và trước mắt chúng tôi là một con đường ngoằn ngoèo lầy lội.

Vào đến Trường Mầm non Đồng Tâm, đoàn chúng tôi dừng chân, ăn tối rồi lại tiếp tục hành trình khoảng 4km nữa đến bản Nà Ngao, trong đó có hơn 1km phải đi bộ trên một đoạn đường lầy lội, trơn trượt.

img

Người dân Nà Ngao vui mừng chào đón đoàn của chúng tôi. (Ảnh: Thanh Thủy)

Đoàn đã chuẩn bị mỗi người một đôi ủng và một chiếc đèn pin để sẵn sàng vượt đường khó vào bản. Đoàn chúng tôi đã đi qua những khúc quanh co chìm trong màn đêm đặc quánh, đoạn thì hai bên là núi rừng, thi thoảng có ánh đèn le lói từ những ngôi nhà sàn trong bản.

Quãng đường xấu nhất với hai bên là cánh đồng lúa mênh mông. Hết đoạn đường khó là một dòng suối nước chảy róc rách. Phía bên kia suối, ngôi trường mới khang trang hiện lên trên một quả đồi cao trước mắt. Tất cả lại rọi đèn, bước chân nhẹ nhàng qua cây cầu chòng chành bắc qua suối.

img

Đường vào trường Nà Ngao, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Thanh Thủy)

Trường ngay trước mắt nhưng chúng tôi phải leo lên một con dốc khá dài và trơn do trời mưa. Cuối cùng thì đoàn cũng đến được với điểm trường Nà Ngao, lúc này đã gần 10 giờ đêm. Tất cả hồ hởi, hân hoan bắt tay vào công việc chuẩn bị, căng phông bạt, trang trí phòng học để ngày mai đón các em tới dự lễ khánh thành.

Mặc dù lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất xa xôi này nhưng khi bước xuống xe tôi thấy một cảm giác thân thương, gần gũi xiết bao. Những người trong ngôi trường nhỏ là cô hiệu trưởng, hiệu phó, các cô giáo, anh trưởng thôn và một vài người dân sống xung quanh đó tiếp đón đoàn với một tình cảm rất chân thành. Ai cũng cảm động khi thấy cô Đào Kim Oanh, vợ thầy Văn Như Cương, dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn hồ hởi nhiệt tình tới tận đây.

Buổi sáng ngày 15.9 con đường nhỏ lầy lội trơn trượt tấp nập người dân bản qua lại. Hỏi ra thì mới được biết hôm nay phiên chợ. Tôi chạnh lòng thương những người dân nơi đây. Đến con đường nhỏ để họ đi lại, giao thương cũng không có. Một anh dân bản tâm sự: “Nhà nước đã có dự án làm đường này nhưng mười năm nay vẫn chưa thấy cô ạ”.

Tôi thì ưu tư về con đường còn dân bản trông ai cũng vui tươi. Họ nở những nụ cười rất hân hoan chào chúng tôi: “Các cô về trường đấy ạ”. Có lẽ họ nhận ra chúng tôi qua màu áo cờ đỏ sao vàng, in dòng chữ “Trường Lương Thế Vinh Hà Nội” bên dưới logo của trường.

Quả đồi nhỏ với ngôi trường khang trang sáng nay thật đông vui tấp nập. Hơn 50 em nhỏ đến từ các thôn bản trong xã Đồng Tâm và các khu lân cận cùng rất nhiều các bậc phụ huynh, tất cả hội tụ về đây trong niềm vui khôn tả. Họ hân hoan vui mừng với mái trường mới cho con em mình từ nay được đến lớp, được học tập và vui chơi.

Tôi còn nhìn thấy trong ánh mắt họ niềm cảm động lớn lao khi chứng kiến cô Đào Kim Oanh, vợ thầy Văn Như Cương, đã gần 80 tuổi vẫn chậm rãi leo lên con dốc dựng đứng hướng về phía ngôi trường. Bà đã lên đây với các cháu yêu thương, bà đã hạnh phúc xiết bao khi di nguyện của thầy nay đã thành hiện thực.

Hòa cùng niềm vui của trẻ em và người lớn ở Nà Ngao là bác chủ đất Lều Thị Pằng. Niềm vui, niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt phúc hậu, trong ánh mắt hiền từ của bác – người đã hiến tặng mảnh đất hơn 400 mét vuông trên quả đồi cao bao quanh bởi bạt ngàn cây cối, núi rừng để thầy cô có đất xây trường.

Buổi lễ khánh thành diễn ra chừng một giờ đồng hồ. Sau lời phát biểu của cô Đào Kim Oanh nói lên tâm nguyện của thầy Văn Như Cương, niềm xúc động của cô và các thầy cô trường Lương Thế Vinh là cảm tưởng và lời cảm ơn của lãnh đạo địa phương, đại diện Ban giám hiệu trường Mầm non Đồng Tâm và các tiết mục văn nghệ của các cô giáo cùng các em nhỏ nơi đây.

Những lời ca tiếng hát chân tình cất lên khiến tôi vô cùng rung động. Tôi cảm phục các cô giáo nơi này biết bao! Để đến được mái trường họ đã đi hơn 10km, có cô nhà xa gần 30km. Họ thật sự yêu nghề, yêu trẻ và hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Món quà bất ngờ của “ông tiên” tóc bạc

img

Trường Nà Ngao được khánh thành vào ngày 15.9 vừa qua. (Ảnh: Thanh Thủy)

Nghe cô hiệu trưởng Đàm Thị Ngoan tâm sự chúng tôi mới hiểu rằng đây là một điểm đến khó khăn nhất huyện Bắc Quang, mưa lũ quanh năm, đồi núi xói mòn, đất rừng liên tục sạt lở. Bao nhiêu năm mơ ước xây dựng một mái trường cho các cháu học không thể nào thực hiện được. Bao nhiêu khó khăn ngặt nghèo đến mức những hy vọng có lúc lóe lên rồi lại chìm vào tuyệt vọng. Có khi chị mơ ước, giá có một ông tiên nào trong truyện cổ tích hiện ra, ban phép giúp đỡ để các cháu một có ngôi trường.

Thế rồi điều kỳ diệu đã đến.

Chị kể với chúng tôi, lần đầu tiên chị biết đến thầy Văn Như Cương là qua một bức ảnh của một anh bạn chị được chụp cùng thầy trong một dịp thầy lên Hà Giang.

img

PGS Văn Như Cương bên người bạn đời của mình, cô Đào Kim Oanh (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Ấn tượng đầu tiên về thầy là trông thầy hiền từ như một ông tiên. Rồi thời gian cứ thế trôi đi, bao trận bão lại đến, bao cơn lũ lại qua mà trẻ em Nà Ngao vẫn chưa có được một nơi để yên tâm học hành, vui chơi.

Và thế là một ngày đầu năm học mới năm 2017, chị nhận được tin vui từ “Quỹ trò nghèo vùng cao” của nhà báo Trần Đăng Tuấn rằng đã có nhà tài trợ đồng ý xây trường. Niềm vui vỡ òa và như nhân lên gấp bội khi chị biết rằng nhà tài trợ đó chính là nhà giáo Văn Như Cương, “ông tiên” trong bức hình mà chị nhìn thấy từ hai năm trước.

Đến giờ thì chị vui lắm khi những trẻ nhỏ ở Nà Ngao đã có cơ hội hàng ngày đến trường. Cuộc đời quả là có những điều kỳ diệu.

Và tôi tin rằng, “ông tiên” tóc bạc dù đã đi xa thì những món quà diệu kỳ thầy gửi lại sẽ còn mãi với thầy trò ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem