Nhớ Trung thu không đèn ông sao của tuổi thơ tôi

Thứ năm, ngày 19/09/2013 06:54 AM (GMT+7)
Nhìn những chiếc đèn lồng Trung Quốc với nhiều kiểu dáng, màu sắc sặc sỡ, những đồ chơi siêu nhân cùng súng ống,... bày bán nhan nhản trong dịp Tết trung thu này, tôi bỗng thấy nhớ da diết Tết trung thu của tôi ngày xưa.
Bình luận 0
Trung thu ngày ấy ở quê tôi không có đèn ông sao, không có "siêu nhân", không có đồ chơi đẹp, nhưng với những đứa trẻ nơi quê nghèo chúng tôi sao ngọt ngào và ăm ắp yêu thương đến vậy.
Trung thu xưa không có đèn ông sao sặc sỡ, đẹp lung linh như bây giờ nhưng vấn ấm áp, ngọt ngào lạ lùng
Trung thu ngày ấy không có đèn ông sao sặc sỡ, đẹp lung linh như bây giờ, nhưng vấn ấm áp, ngọt ngào yêu thương.

Ngày ấy, người lớn cả ngày chăm nom đồng ruộng, quần quật ngoài đồng lo ăn từng bữa, nói gì đến chuyện lo Tết Trung thu cho con. Vì vậy, chị em tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác trong xóm đều ao ước có được dù chỉ một chiếc đèn ông sao năm cánh, rực rỡ như trên tivi lắm.

Nhưng không phải vì không có đèn ông sao mà trẻ quê tôi ngày ấy không có Tết Trung thu. Năm nào cũng vậy, cứ khoảng một tháng trước 15/8 (âm Lịch), là khi trăng bắt đầu sáng, những đứa trẻ trong xóm lại rục rịch rủ nhau tập múa, tập hát, đánh kiếm, múa găm… để chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn, thi thố giữa các xóm trong làng, xã. Khắp cả xóm làng đâu đâu cũng rộn rã tiếng trống, tiếng cười của lũ trẻ.

Gần đến ngày Rằm tháng Tám, không khí Trung thu dường như lan tỏa khắp trong nhà ra ngoài ngõ, trẻ con chúng tôi nhộn nhịp, háo hức lắm.

Trước đó cả tuần, mấy đứa con trai hì hục cắt, gọt, dán toát mồ hôi những thứ vứt đi của người lớn như lon sữa, vỏ hộp xà phòng để làm đèn chơi trăng - loại đèn “độc nhất vô nhị” thô thô, ráp ráp, sần sùi không trùng với bất cứ chiếc đèn nào. Ấy vậy mà mấy đứa cứ ngắm mãi sản phẩm của mình rồi ra vẻ tâm đắc, tự hào lắm.

Lũ con gái cũng chẳng chịu ngồi yên, khi mang giấy màu đủ loại, cắt dán làm đèn ông sao. Những chiếc đèn sặc sỡ xanh, đỏ, tím, vàng… được làm từ khung tre tự vót, giấy thủ công, keo dính là những hạt cơm nguội đẹp đến lạ lùng.

Cả tháng mong chờ, luyện tập rồi cũng đến ngày thi thố, lũ trẻ xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất, lỉnh kỉnh nào cọc tre, chiếc, giấy dán xanh đỏ đi thi cắm trại, thi múa, thi hát….

Người lớn, trẻ con rủ nhau về sân vận động xã đông như hội (gọi là sân vận động cho sang nhưng thực chất, đó là bãi cỏ rộng thênh thang giữa cánh đồng). Những đứa lớn tuổi hơn thì thi nhau đánh phấn, tô son, chuẩn bị cho phần thi, những đứa nhỏ thì hớn hở bám theo bố, mẹ len giữa đám đông khán giả, hò reo, cổ vũ cho anh chị chúng.

Tới trưa hôm rằm, sau hồi kẻng vang lên, mỗi đứa cầm theo một cái bát, đôi đũa đến nhà bác trưởng thôn đánh chén. Bữa cỗ được làm từ số tiền quyên góp của tất cả người dân trong xóm dưới bàn tay nấu nước của các mẹ, các bà. Ngày ấy, ở vùng quê nghèo, bữa cỗ có đủ thịt gà, thịt lợn với những đứa trẻ chúng tôi sao mà ngon đến vậy.

Phần vui nhất trong dịp Tết trung thu phải kể đến buổi tối hôm rằm. Khi dỏng tai nghe tiếng trống thình thình ở đâu vọng lại, chẳng đứa nào bảo đứa nào, lũ trẻ trong làng ùn ùn kéo đến nơi có tiếng gọi rộn ràng thúc giục ấy. Rồi cả bọn lại theo đoàn múa lân đến từng nhà. Tiếng trống, tiếng cười đùa, tiếng hò reo… tạo nên thứ âm thanh mà đến giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy thổn thức.

Lũ trẻ chúng tôi cứ đi theo đám múa lân như thế, tay cầm đèn ông sao tự chế, nghêu ngao hát cho đến khuya, trăng lên đến giữa đỉnh đầu mới chịu về nhà.

Chính những mùa trung thu ngọt ngào ấy đã dệt nên trong ký ức tuổi thơ tôi những kỷ niệm ngọt ngào, để giờ đây mỗi khi nhớ lại lòng tôi lại xốn xang, bồi hồi, náo nức, nhớ quê hương.

Vân Nga (Vân Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem