Nhọc nhằn nghề giúp việc xuyên quốc gia

Thứ năm, ngày 13/02/2014 06:32 AM (GMT+7)
Gần 9 năm làm giúp việc ở Đài Loan, chị Minh trở về Việt Nam với những ký ức về sự hành hạ, phân biệt đối xử của chủ nhà. Và khi về thì "chồng con coi thường, xóm làng dè bỉu”- chị Minh chua chát
Bình luận 0
Hoàn cảnh của chị Minh cũng giống như rất nhiều phụ nữ giúp việc khác trong bản báo cáo mới đây của Tổ chức Amnesty International.

Nguy cơ thành nô lệ


Theo báo cáo của Amnesty International (Tổ chức Ân xá Quốc tế), hàng ngàn phụ nữ Indonesia bị đưa lậu sang Hongkong để làm người giúp việc nhà, có nguy cơ phải chịu đựng các điều kiện giống như nô lệ vì chính quyền của cả hai bên đều không bảo vệ được họ trong hoàn cảnh bị bạo hành và bóc lột tràn lan.

Biểu tình phản đối bạo hành người giúp việc ở Hongkong.
Biểu tình phản đối bạo hành người giúp việc ở Hongkong.

Theo báo cáo, không chỉ tại Hongkong, hiện nay có nhiều phụ nữ trẻ ở các quốc gia có thu nhập thấp đến thu nhập trung bình đổ xô tới tới những nơi giàu có hơn ở châu Á và những nơi khác trên thế giới để làm nghề giúp việc. Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh là các nước có đông đảo lao động đi làm theo hình thức này.

Tiến sĩ Rahul Malhotra (Trường Y Duke-NUS ở Singapore) là đồng tác giả của một bản báo cáo tập trung vào tình trạng sức khỏe và điều kiện làm việc của các phụ nữ giúp việc nhà. Ông Malhotra nói rằng có rất nhiều phụ nữ đã hứng chịu sự bạo hành dưới nhiều hình thức, bị đau ốm, gặp các vấn đề về tinh thần nhưng có rất ít cơ hội nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế.

Ông Malhotra cho biết, những người giúp việc này phải làm việc khoảng từ 13 đến 19 giờ mỗi ngày. Đặc biệt, nhiều gia đình còn không có ngày nghỉ dành riêng cho người giúp việc khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài điều kiện làm việc khắc nghiệt, người giúp việc còn bị bạo hành. Gần như tại khắp nơi trên thế giới, phần lớn các cuộc nghiên cứu mà họ xem xét, đại đa số phụ nữ cho biết họ đều bị bạo hành theo một cách nào đó. Phần lớn họ nói rằng họ bị bạo hành qua lời nói và tinh thần. Ngoài ra, một số ít còn bị bạo hành thân thể và bạo hành tình dục.

Một phụ nữ nói trong báo cáo rằng, bà đã bị ông chủ đá vào mông, nắm quần áo và kéo xềnh xệch vào phòng. “Sau khi chốt cửa, ông ấy đã đánh đấm tôi. Ông ta còn xô tôi ngã xuống sàn và tiếp tục đá tôi. Tôi bị thâm tím khắp người. Miệng và trán còn chảy máu”- người này kể.

Bạo hành “kép”

Chị Nguyễn Thị Minh, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh trong một cuộc trả lời phỏng vấn của NTNN cũng cho hay, chị sang Đài Loan làm nghề giúp việc được 9 năm, cũng đối mặt với rất nhiều sự bạo hành của chủ nhà từ lời nói, hành động và bóc lột sức lao động trong những năm đầu. Tuy nhiên, nhờ vào sự chịu đựng và nhẫn nhịn của chị, nhà chủ sau đó đã thay đổi thái độ và đối đãi tốt hơn với chị.

“Cũng chỉ vì kiếm sống mà chúng tôi đành phải chấp nhận, nhưng không có nỗi khổ tâm nào bằng sự sỉ nhục và hành hạ”, chị Minh chia sẻ. Tuy nhiên, điều đau khổ mà chị Minh gặp phải đó là điều tiếng từ quê nghèo ở Việt Nam. Chị Minh cho hay, ở quê chị, phụ nữ trung niên chủ yếu sang Đài Loan, Hàn Quốc làm nghề giúp việc trong nhà, công việc vất vả là vậy, nhưng ở quê nhà các chị còn bị mang tiếng là “cặp bồ với ông chủ” mới sống bên đấy lâu như vậy.

“Khổ trăm đường, ở bên đó thì chủ nhà đối xử tệ, về Việt Nam thì chồng con coi thường, xóm làng dè bỉu”- chị Minh chua chát kể.

Một phụ nữ kể lại rằng bà chủ của bà đã thường xuyên bạo hành bà về mặt thể chất. Một lần, bà chủ đã ra lệnh cho hai con chó cắn bà và kết quả là bà có khoảng 10 vết cắn trên người, làm rách da và chảy máu. Người chủ này còn quay lại cảnh tượng đó trong điện thoại, sau đó liên tục bật lại xem và cười khoái chí.

Với những trường hợp như vậy, các chuyên gia xã hội học cho rằng, đó là sự bạo hành kép mà những phận đời giúp việc xa quê thường gặp phải.

Theo tiến sĩ Malhotra, điểm yếu khiến những người phụ nữ này dễ bị bóc lột là vì ở nhiều nước, những phụ nữ này không được coi là thành phần lao động chính thức, làm việc trong môi trường tư, cá nhân, khi người chủ trong công việc của họ cũng chính là chủ nhà của họ. Một khi họ sống trong nhà của chủ nhân họ, nếu chủ nhân của họ không cho phép họ ra ngoài, họ khó có cơ hội để lên tiếng về những nỗi lo lắng hay các vấn đề của họ.

Một thực tế nữa là các cơ sở tuyển dụng thường không cung cấp cho người giúp việc giấy tờ hợp pháp được yêu cầu bao gồm hợp đồng làm việc, bảo hiểm bắt buộc, và thẻ căn cước có ảnh để làm việc ở nước ngoài, thứ làm giảm đi các hình thức nhận bồi thường. Không chỉ dừng lại ở các giấy tờ, một cơ chế trả lương chính thức cũng chưa được thiết lập tại nhiều nước.

Hiện tại, chưa có một điều luật chung quản lý tất cả những phụ nữ làm công việc giúp việc này, và cũng không có nước nào có một điều luật cụ thể quyết định vấn đề lương tối thiểu hay giờ làm việc tối thiểu. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Malhotra, vấn đề ra nước ngoài làm người giúp việc có thể được giải quyết tốt hơn nếu các nước tạo ra các điều luật và nghiêm túc thực thi chúng.

Quang Minh (tổng hợp) (Quang Minh (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem