Nhu cầu nhân lực thay đổi xu hướng, sinh viên và các trường đại học đang có sự "dịch chuyển"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 17/09/2023 07:57 AM (GMT+7)
Lao động giản đơn và lao động phổ thông đang có xu hướng giảm rất sâu, nhu cầu nhân lực có trình độ sau đại học chất lượng cao ngày càng tăng khiến các trường đại học và sinh viên cần có sự chuẩn bị cho tương lai.
Bình luận 0

Nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng

Nói về "Xu thế, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ sau đại học ở Việt Nam hiện nay" tại Hội thảo quốc tế "Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam" ngày 16/9 tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, TS. Phạm Thúy Quỳnh Nga và ThS Lê Thị Thu, Học viện Hành chính Quốc gia đã chỉ ra rằng: "Với sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, nhu cầu về nhân lực có trình độ sau đại học chất lượng cao ngày càng tăng.

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) thống kê, trong số 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc trong năm 2022 có đến 94,78% lao động qua đào tạo. Trong đó, đại học trở lên chiếm 66,57%, cao đẳng chiếm 15,82% và trung cấp chiếm 6,72%.

Các tỉ lệ này tập trung chủ yếu ở các ngành: Tài chính - ngân hàng, kế toán, kiểm toán, CNTT, Quản trị kinh doanh, quản lý điều hành và marketing - quan hệ công chúng. Nhu cầu tìm việc ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Cụ thể tỉ lệ là 5,22, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật với 5,67%.

Trường đại học có còn là "tháp ngà"? - Ảnh 2.

Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế. Ảnh: Tào Nga

Việc mở rộng hệ thống trường đại học và đa dạng hóa các chương trình đào tạo sau đại học đã giúp tăng cường năng lực đáp ứng nhu cầu của người học. Nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện nay đã phát triển các chương trình đại học với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong các ngành công nghiệp phát triển như công nghệ thông tin, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, y tế... Bên cạnh đó, Việt Nam đã mở rộng hợp tác với các trường đại học và tổ chức quốc tế để tăng cường chất lượng đào tạo sau đại học. 

FALMI cũng đưa ra con số dự báo về thị trường lao động Việt Nam năm 2021-2025. Theo đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 79,17%, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 22,77%. Trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 19,93%, cao đẳng chiếm 15,80%, đại học trở lên chiếm 22,77%. Như vậy, lao động giản đơn và lao động phổ thông đang có xu hướng giảm rất sâu.

Trường đại học có còn là "tháp ngà"? - Ảnh 4.

Các diễn giả chính tham gia Hội thảo. Ảnh: Tào Nga

Trường đại học có còn là "tháp ngà"?

Nhắc đến giải pháp "3 điểm" được phát triển ở hệ thống sau đại học, GS.TS Philip Hallinger, Đại học Mahidol, Bangkok, Thái Lan nhấn mạnh, các trường cần trả lời 3 câu hỏi: quá trình thực hành bền vững như thế nào? Các trường đã dùng bao nhiêu nguồn năng lực cho quá trình đảm bảo bền vững? Các trường đã thực hiện như thế nào cho phát triển bền vững? Giảng viên thực hiện "3 điểm" như thế nào trong quá trình giảng dạy. Đây là xu hướng trong tương lai.

Tuy nhiên, GS.TS Philip Hallinger cũng nhận thấy, sinh viên rất ham học nhưng đôi khi thách thức lại xuất phát từ phương pháp giảng dạy. Vì vậy, nguyên tắc mà các trường cần định hướng là: Bạn đã làm gì để sinh viên yêu thích đến trường, hành động của bạn đã làm gì để hỗ trợ cho việc dạy – học? Định hướng, chỉ đạo của nhà trường như thế nào để giúp cho sinh viên học tập tốt nhất?

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ: "Trước đây trường đại học vẫn được ví như là "tháp ngà" và thường muốn ám chỉ rằng trường đó có danh tiếng hoặc vị thế cao, sang trọng, đáng ngưỡng mộ. Từ "tháp ngà" thường được sử dụng để miêu tả sự xa hoa, tinh tế và đẳng cấp trong các môi trường học thuật và xã hội. Điều này có thể bao gồm những ưu thế về cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, danh tiếng của trường và sự nổi tiếng của cựu sinh viên, giảng viên. 

Trường đại học có còn là "tháp ngà"? - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Thế nhưng mặt trái của một trường đại học được gọi là "tháp ngà" thường ám chỉ rằng trường đó có thể quá tập trung vào khía cạnh học thuật và nghiên cứu mà thiếu đi tính ứng dụng, thực tiễn. Điều này có thể dẫn đến một số vấn đề như thiếu kết nối với thế giới thực, không thiết lập sự liên kết đủ với cộng đồng và doanh nghiệp, dẫn đến việc không hiểu rõ nhu cầu xã hội và thị trường lao động, thất nghiệp hoặc khó khăn trong tìm việc cho sinh viên sau khi ra trường.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là một trường đại học là "tháp ngà" hay không mà là khả năng trường đó trong việc cân bằng giữa việc học thuật và ứng dụng, đảm bảo rằng sinh viên nhận được sự chuẩn bị toàn diện cho tương lai".

PGS Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT bày tỏ: "Một trong những trụ cột là hệ đảm bảo chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục đại học. Việc này không ai làm tốt hơn chính là từ các cơ sở đào tạo. Đây là hội nghị chúng tôi đặc biệt quan tâm để lắng nghe ý kiến của các thầy cô từ đó có những chỉnh sửa, bổ sung về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem