Những ngày ngập úng, phòng và trị nước ăn chân như thế nào?

Như Nguyệt (Tổng hợp) Thứ năm, ngày 26/05/2016 07:07 AM (GMT+7)
Ngâm chân lâu trong nước nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây ra bệnh nước ăn chân.
Bình luận 0

Mưa bão gây ngập úng khắp nơi, nước mưa hòa với nước thải, bùn đất tạo thành môi trường tốt cho các loại dịch bệnh phát triển mà phổ biến nhất là các bệnh ngoài da, trong đó có nước ăn chân.

img

Ảnh minh họa

Bệnh nước ăn chân là gì?

Nước ăn chân, hay còn gọi là nấm kẽ chân, do nấm Trichophyton Mentagrophytes, nấm Trichophyton Rubrum và đôi lúc do nấm Epidermophyton Floccosum gây nên.

Nguyên nhân

Do da thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn có chứa các vi khuẩn, vi trùng, nấm có hại, khiến chúng có cơ hội bám vào da, kí sinh trên da và phát triển thành bệnh. Bệnh thường gặp ở những người phải sống chung với lũ lụt hoặc có thể là bệnh nghề nghiệp ở những người làm nghề tiếp xúc thường xuyên với nước, môi trường ẩm ướt, hoặc mang giày, tất bít kín mà không thay giặt thường xuyên.

Một số ít người bị nước ăn chân do bị chứng tăng tiết mồ hôi.

Biểu hiện của bệnh

+ Da vùng kẽ chân bị mủn trắng, có kẽ nứt.

+ Lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn.

+ Ngứa ngáy, khó chịu, đau rát ngoài da.

+ Trường hợp bội nhiễm có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Bàn chân sưng tấy, có mủ.

ảnh 3

Phòng bệnh

+ Tránh để da tiếp xúc với nước bẩn bằng các cách như đi ủng, bao chân trong túi nilon,...

+ Vệ sinh da sạch sẽ với xà phòng sau khi tiếp xúc với nước bẩn để loại bỏ các loài vi khuẩn, vi trùng và nấm bám trên da.

+ Thường xuyên làm sạch giày, tất.

+ Với những người bị chứng tăng tiết mồ hôi nên lựa chọn các loại giày dép thoáng khí, kết hợp sử dụng thêm các biện pháp để giảm tiết mồ hôi chân.

Điều trị

Với trường hợp bị nước ăn chân nhẹ, bạn có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian dưới đây:

Muối: Ngâm chân 15 phút trong một chậu nước ấm có pha lẫn muối. Sau đó lau khô chân và dùng kem trị nước ăn chân thoa vào vùng da bị tổn thương.

img

Gừng: Đun sôi nước, đập dập một nhánh gừng, cho vào đun tiếp 20 phút. Đợi cho nước nguội, dùng nước đó để ngâm chân 2 lần/ngày.

img

Rượu và dấm:  Trộn rượu : dấm : nước theo tỷ lệ 1 : 2 : 10 tạo thành hỗn hợp dung dịch để ngâm chân.

img

Lá trầu không: Thành phần của lá trầu không chứa kháng sinh tự nhiên, có tác dụng xát khuẩn, chống viêm, giảm sưng. Cách làm: vò nát lá trầu, xát vào các kẽ ngón chân, hoặc giã lá vắt lấy nước, bôi vào các kẽ ngón chân.

img

Với trường hợp bị bội nhiễm, bạn nên đi khám bác sỹ để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem