Những người lao động "mất ngủ" trước quy định diện tích nhà ở khi đăng ký thường trú

Ngọc Huyền Chủ nhật, ngày 09/07/2023 09:19 AM (GMT+7)
Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú tối thiểu 15m2/sàn/người tại vùng nội thành đang khiến nhiều người lao động nghèo tại thủ đô lo lắng.
Bình luận 0

Điều kiện tài chính không thể đáp ứng

Đọc quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú mới được đưa ra, chị Trần Thị Khanh (Hoàng Mai, Hà Nội) xót xa nhìn lại căn phòng của mình. Chị Khanh hiện đang thuê một phòng trọ có diện tích chưa đến 20 mét vuông, sống cùng chồng và con nhỏ.

Theo nghị quyết mới được thông qua, diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Thành phố Hà Nội là 8m2/sàn/người đối với khu vực ngoại thành. Với khu vực nội thành quy định tối thiểu 15m2/sàn/người.

Như vậy, để được đăng ký thường trú, gia đình chị Khanh phải đảm bảo diện tích sàn ít nhất 45m2. "Một phòng 45m2 là bằng chung cư mini rồi, giờ giá các nhà trọ lên cao, ít cũng phải 4 – 5 triệu/phòng như thế. Lương hai vợ chồng đi làm thuê được hơn 10 triệu, nếu thuê trọ lớn hơn thì làm sao đủ tiền sinh hoạt", chị Khanh ngậm ngùi.

Người lao động "mất ngủ" trước quy định diện tích nhà ở đăng ký thường trú - Ảnh 1.

Giữa thủ đô, không thiếu những "ngõ trọ" cho người lao động có thu nhập thấp.

Được biết, phòng trọ này là nơi gia đình chị Khanh nấu nướng, sinh hoạt và học tập. Khó khăn lắm mới tìm được nơi ở ổn định, được sự cho phép của chủ nhà, chị Khanh dự định sẽ đăng ký thường trú để ở lâu dài, cũng như lo cho con gái sắp vào lớp 1.

"Con tôi sắp vào lớp 1, tôi thấy trong thủ tục nhập học cần có giấy hẹn trả kết quả đăng ký thường trú của Công an phường nên tính sẽ đi làm để qua hè con kịp nhập học. Mấy nay nhận được thông tin về quy định đăng ký thường trú, vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa", chị chia sẻ thêm.

Cùng chung hoàn cảnh với gia đình chị Khanh, chị Lê Thị Hà cùng em gái (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang thuê một phòng trọ đơn 12m2. Tha hương từ miền Nam ra Hà Nội lập nghiệp, chị cố bám thủ đô, làm thuê tích tiền thuê nhà ở xã hội. 

Theo quy định mới, chị chỉ cần tìm phòng trọ 30m2 là có thể đăng ký thường trú. Tuy vậy, một phòng trọ đạt chuẩn 30m2 ở khu vực Cầu Giấy không hề rẻ, có mức giá 3 – 4 triệu đồng.

Chị Hà cho hay: "Ngoài việc điều kiện kinh tế không đáp ứng thì bản thân tôi và em gái cũng không có nhu cầu ở căn phòng rộng đến vậy. Hai chị em tôi rời quê hương lập nghiệp, giờ không đăng ký thường trú được thì chẳng khác gì vô gia cư".

Người lao động "mất ngủ" trước quy định diện tích nhà ở đăng ký thường trú - Ảnh 3.

Căn phòng nhỏ chỉ đủ đặt 1 chiếc đệm, móc quần áo và tủ lạnh mini.

Quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú được cho là góp phần ổn định an ninh, trật tự và đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân. Tuy nhiên, cơ chế siết chặt quy mô dân số này lại khiến cho nhiều lao động nghèo lo ngại.

Tại các khu vực nội thành đông dân cư, nhiều tiện ích như Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm,… mức giá cho thuê phòng trọ hiện tại nằm trong khoảng 3 – 4 triệu cho căn phòng 25 – 30m2 (tùy nội thất).

Người lao động trằn trọc nghĩ hướng đi

Trước cơ chế siết chặt dân cư nội thành, nhiều người lao động đã "từ bỏ" đăng ký thường trú và tìm cách giải quyết.

"Thôi thì không đăng ký thường trú nữa, cứ tạm trú mãi cũng được", ông Nguyễn Hữu Diệp (Thanh Xuân, Hà Nội) tặc lưỡi. Không đủ tiền thuê nhà rộng hơn, ông Diệp cùng vợ chỉ còn cách cư trú tại Hà Nội với tờ giấy tạm trú.

Ông cho biết, tại quê nhà, ông và vợ có giấy tờ thường trú đầy đủ. Chuyển đến Hà Nội ngót 1 năm, sau khi đăng ký tạm trú, hai ông bà quyết định sẽ sinh sống tại đây nên muốn tiếp tục đăng ký thường trú. 

"Nay thấy báo chí đăng tôi mới biết. Tôi có hỏi ý chủ nhà, người ta cho thường trú rồi, mỗi tội bây giờ cái phòng có 20m2 thôi thì chưa đủ điều kiện", bà Hiền (vợ ông Diệp) tiếp lời.

Người lao động "mất ngủ" trước quy định diện tích nhà ở đăng ký thường trú - Ảnh 4.

Phòng nhỏ, người đông giờ đã thành nỗi lo của người lao động nghèo khi muốn an cư lạc nghiệp.

Một số người lao động thậm chí tính đến việc "di dời": "Tôi đã nghĩ đến phương án di chuyển ra ngoại thành. Giá thuê nhà ở tại khu vực này rẻ hơn nhiều, diện tích mặt sàn cũng chỉ 8m2/sàn/người. Nếu gia đình tôi buộc phải đăng ký thường trú, tôi nghĩ không còn cách nào khác là phải chuyển đi", bà Nguyễn Hoài Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.

Không phải ai cũng sẵn sàng chuyển nhà ra ngoại thành. Tại khu vực nội thành, các tiện ích, cơ sở vật chất, y tế, giáo dục, an ninh đều tốt hơn. Đây là lúc các hộ gia đình tính đến bài toán thuê nhà ở xã hội.

Chị Thùy Trang (Ba Đình, Hà Nội) đang sinh sống cùng chồng và hai con trong căn phòng 40m2. Đối với gia đình chị, diện tích này đã đủ rộng để gia đình sinh hoạt. Căn phòng nhà chị đang ở hiện tại có giá 5 triệu đồng (bao gồm các nội thất mà bên thuê lắp đặt sẵn).

Theo đúng quy định, nếu chị Trang muốn đăng ký thường trú cho các con (trong độ tuổi đi học), gia đình chị phải tìm một căn hộ ít nhất 60m2. Đứng trước tình hình ngoặt ngèo này, chị có ý định thuê nhà ở xã hội với mức giá rẻ hơn nhiều lần. 

Dù vậy, gia đình chị không thuộc diện được thuê nhà ở xã hội. Tình cảnh tréo ngoe này khiến chị "ăn không ngon, ngủ không yên".

"Chắc tôi sẽ đăng ký tạm trú, rồi cho con vào trường tư học. Hà Nội đất chật người đông, hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm, mong rằng sau này có điều kiện hơn để chuyển đến căn hộ rộng rãi. Còn không, chắc là về quê", chị Trang trải lòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem