Nông dân Kỳ Anh bật khóc khi rừng tràm tiền tỷ gãy nát như củi

Quỳnh Nga Thứ ba, ngày 19/09/2017 19:00 PM (GMT+7)
Cơn bão số 10 càn quét qua đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài việc hàng loạt nhà cửa bị tốc mái, đổ sập thì hàng ngàn hecta cây keo, dó trầm, hoa màu… tại vùng tâm bão Kỳ Anh bị gãy đổ, khiến người dân lâm cảnh tay trắng.
Bình luận 0

Một gia đình mất trắng 3 tỉ đồng

Có mặt tại xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khi cơn bão số 10 vừa qua, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người nông dân buồn bã, bất lực nhìn hàng ngàn gốc cây keo, cây dó trầm… bị gió bão quật đổ.

Đứng bên ngôi nhà vừa bị gió bão xô đổ, chị Đào Thị Mỹ (trú tại thôn Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nước mắt lưng tròng, nói: “Gia đình tôi sinh được 3 người con, cảnh con cái nheo nhóc, kinh tế khó khăn nên chồng tôi phải vào Sài Gòn làm công nhân. Nếu thuận lợi, sau khi keo thu hoạch, cùng với ít vốn liếng vợ chồng tích góp mấy năm nay, tôi sẽ xây nhà mới. Nhưng cơn bão số 10 đổ bộ làm sập nhà, quật đổ 2 ha rừng keo chuẩn bị thu hoạch. Bây giờ mất trắng, chúng tôi không biết lấy gì để sinh nhai”.

img

Cận cảnh những gốc cây keo được người dân trồng khoảng 5 năm bị gió bão bẻ ngang. Ảnh: Q.N

Cách gia đình chị Mỹ không xa là hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Duy, hai vợ chồng ra ở riêng được hơn 4 năm, kinh tế còn nhiều khó khăn nên chỉ cất tạm ngôi nhà gỗ để ở, thế nhưng cơn bão đi qua đã làm sập luôn căn nhà.

Anh Duy rưng rưng: “Sau khi tôi lập gia đình, tôi được UBND xã cấp 2ha rừng sản xuất. Hơn 2ha rừng keo đã trồng được 4 năm, vài tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Chúng tôi dự định, sau khi keo thu hoạch sẽ xây nhà. Nhưng nay thì mất trắng, nhà sập, keo gãy không biết lấy tiền đâu cho những kế hoạch dài lâu...”.

Ông Nguyễn Đăng Nam (thôn Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh) là một trong những hộ có diện tích trồng keo và dó bầu tạo trầm lớn nhất xã. Nhìn hàng ngàn gốc cây keo, cây dó bầu bị gió bão quật ngã, ông Châu xót xa nói: “Tôi có 19ha rừng trồng cây keo và dó bầu tạo trầm, trong đó có 10,4ha keo, 8,6ha dó bầu. Hai loại cây này đã đến  kỳ thu hoạch nhưng bão số 10 quật đổ hết, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Cơn bão này lớn quá, chưa đầy 8 tiếng bão đổ bộ đã làm 19 ha cây trồng của gia đình tôi tan nát”.

img

Nhìn hàng ngàn gốc cây keo, cây gió trầm bị gió bão quật ngã, ông Nguyễn Đăng Nam ở thôn Minh Châu (xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh) chua chát: "Mất hơn 3 tỉ đồng cô ạ". Ảnh: Q.N

Không chỉ ở xã Kỳ Hợp bị thiệt hại nặng về diện tích rừng sản xuất lâm nghiệp, mà tại xã Kỳ Thượng, người dân cũng rơi vào cảnh tay trắng bởi hàng ngàn gốc cây keo, cây ăn quả bị gió bão quật đổ.

Nhìn hàng ngàn cây keo bước vào thời kì thu hoạch nằm đổ la liệt trên đồi, anh Nguyễn Văn Hậu (xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh) than thở: “Xót lắm cô ơi, hàng trăm triệu đồng tiêu tan trong mấy tiếng đồng hồ. Một cây keo từ khi trồng đến thu hoạch phải mất hơn 4 năm ròng rã chăm sóc, giờ đến kỳ thu hoạch thì bất ngờ bão đổ bộ bẻ gãy, nhổ gốc nên thiệt hại không sao kể xiết".

Lo người dân cùng quẫn làm liều!

Bão số 10 với sức tàn phá mạnh đã gây thiệt hại lớn đến đời sống của người dân vùng tâm bão Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trong đó đáng kể nhất là hàng ngàn hecta cây keo đã đến thời điểm thu hoạch bị mất trắng.

Theo người dân ở đây cho biết, những cây keo bị gió bão quật đổ, nhổ gốc nếu trời nắng lên khoảng hai ngày thì bị khô, số keo này nghiễm nhiên trở thành... củi.

img

Hàng ngàn gốc cây keo, cây dó trầm bị bẻ gãy, trở thành "đống củi". Ảnh: QN

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Phan Văn Duẩn - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp lo lắng nói: “Người dân Kỳ Hợp chủ yếu dựa vào kinh tế rừng. Toàn xã Kỳ hợp có 830 hecta rừng sản xuất, cơn bão số 10 đổ bộ làm toàn bộ diện tích rừng trồng keo, gió trầm của người dân xem như mất trắng. Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là nhìn thấy hậu quả của cơn bão số 10 để lại, người dân “làm liều” lên đốt rừng thì hậu quả khôn lường”.

Trước những khó khăn của người dân, ông Vũ Trung Tiến – Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: “Xã Kỳ Thượng có 13.000 hecta bị thiệt hại sau bão, thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Để ổn định tâm lý cho người dân, UBND tỉnh cần sớm có biện pháp hỗ trợ người trồng rừng, như là cấp giống cây trồng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem