Nông dân mắc lao: Vòng luẩn quẩn của đói nghèo

Thứ hai, ngày 04/07/2011 11:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Trong số hàng triệu người đã và đang mắc lao tại Việt Nam thì đa số là nông dân. Đây chính là vòng xoắn của đói nghèo nếu như người dân không biết phòng ngừa và kịp thời điều trị sớm bệnh lao".
Bình luận 0

TS Đinh Ngọc Sĩ - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư trao đổi với NTNN.

Theo ông Sĩ, bệnh lao nguy hiểm hơn rất nhiều bệnh khác vì sự lây lan nhanh và rất dễ dàng qua đường hô hấp. Tại Việt Nam, năm 2010, tỷ lệ lao hiện mắc các thể khoảng 333/100.000 dân, tỷ lệ lao mới mắc các thể là 200/100.000 dân, tỷ lệ tử vong do lao (loại trừ HIV) là 36/100.000 dân. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ phát hiện và điều trị được khoảng 50% người nhiễm lao trong cộng đồng.

img

Điều trị lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Căn cứ vào đâu để khẳng định, đa số người nhiễm lao là nông dân và người nghèo, thưa ông?

- Logic rất đơn giản. Hơn 70% dân số nước ta là nông dân nên tỷ lệ nông dân mắc bệnh lao lớn không có gì đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, lao là bệnh của người nghèo, ăn uống kham khổ, ít được chăm sóc sức khỏe, khi nhiễm lao thường chủ quan hoặc ngại tốn kém không dám đi khám, chỉ chạy chữa qua quýt, không đúng bệnh, không dứt điểm, khiến bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

img Khi ho, khạc đờm kéo dài hai tuần trở lên, người dân nên đến các cơ sở y tế tại xã để được khám, lấy mẫu đờm xét nghiệm. Thuốc điều trị lao được cấp phát miễn phí tại trạm y tế xã. img

Tại sao lại nói "mắc bệnh lao là lâm vào vòng xoắn đói nghèo", thưa ông?

- Như tôi đã giải thích, những người nghèo ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, ốm không dám đi khám bệnh vì sợ tốn kém. Người nghèo mắc lao cao hơn 2,5 lần so với người không nghèo. 75% người mắc lao nằm trong độ tuổi lao động.

Người mắc bệnh không có khả năng lao động, gia đình phải nuôi và chạy chữa từ 3-4 tháng, thu nhập giảm khoảng 30%. Hơn nữa, nếu mắc lao kháng thuốc, đa kháng thuốc thì việc chạy chữa còn kéo dài và tốn kém hàng chục triệu đồng. Vì thế, muốn cải thiện kinh tế, người dân phải biết phòng chống lao cho mình và người thân.

Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống lao, tại sao vẫn còn nhiều người nhiễm lao "trôi nổi"?

- Nếu nhiễm lao trong vòng 5 năm mà không được điều trị thì 50% số người bệnh đó sẽ tử vong, 25% tự khỏi và 25% chuyển sang mãn tính. Sự kỳ thị trong cộng đồng khiến nhiều người mắc lao giấu bệnh, không có các biện pháp phòng ngừa, cách ly. Nhiều cơ sở y tế cũng không có chẩn đoán lao chính xác nên việc điều trị chậm trễ. Đây là nguồn bệnh lây lan rất lớn trong cộng đồng. Thông thường một người mắc lao sẽ lây sang khoảng 10-15 người khỏe nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thời gian tới, công tác phòng chống lao có các chuyển biến mới không, thưa ông?

- Hiện nay, xét nghiệm ra vi trùng lao mất hàng tuần, xét nghiệm ra vi trùng lao kháng thuốc mất tới hàng tháng. Như vậy, việc điều trị sẽ vô cùng chậm trễ, vi khuẩn lao sẽ lây lan ra cộng đồng.

Người bệnh cũng phải uống hàng vốc thuốc trong suốt 8 tháng nên dẫn tới việc lười uống thuốc, uống không đúng liều, đủ liều, lao chuyển sang kháng thuốc. Năm 2011, chúng tôi sẽ đưa vào sử dụng những phương pháp chẩn đoán mới, giúp cho việc phát hiện vi trùng lao kháng thuốc chỉ mất 2 tiếng.

Việc điều trị cũng rút ngắn xuống còn 3-4 tháng, liều dùng chỉ 3-4 viên, tiến tới năm 2015 chỉ cần 1-2 tháng… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống lao trong cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem