Nông sản Việt tìm cách thoát lệ thuộc Trung Quốc: Không thể hô hào suông

Ngọc Minh- Thiên Hương- Thanh Xuân Thứ năm, ngày 26/06/2014 06:30 AM (GMT+7)
Với quy mô nền kinh tế nhỏ, Việt Nam có thể linh hoạt tìm những đối tác, bạn hàng tương ứng nhằm tránh rủi ro trước sự bất nhất, khó dự đoán trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Trên thực tế, khi những ngày “biển động” vừa qua, nhiều doanh nghiệp, nhà nông đã đi trước một bước như vậy.  
Bình luận 0

Chủ động thích ứng thị trường mới

Ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cho biết, nếu trước đây 80% sản lượng thanh long của doanh nghiệp (DN) được xuất sang Trung Quốc thì nay công ty gần như không xuất sang thị trường này nữa, mà đã chuyển hướng sang Ấn Độ, EU.

Để làm được điều này, công ty phải xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân trồng thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường mới. “Lúc đầu sản lượng xuất khẩu cũng giảm, nhưng đã tăng dần lên và đặc biệt là giá bán cao hơn gấp nhiều lần thị trường Trung Quốc” – ông Hiệp nói.

Tương tự, trong tháng 5, thông qua Công ty Nông sản Việt S, HTX Thanh long ruột đỏ Đại Đức, xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, Trà Vinh) đã xuất khẩu chào hàng thành công 1 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Mỹ, với giá bán 24.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh thanh long ruột đỏ và ruột trắng trong nước đang khó tiêu thụ, giá giảm không phanh thì đây là điều đáng tự hào đối với 14 xã viên HTX Thanh long ruột đỏ Đại Đức, đặc biệt là từ chuyến hàng xuất khẩu này, phía Hoa Kỳ đã có đơn đặt hàng tiếp theo, với số lượng khoảng 30 tấn thanh long ruột đỏ trong năm 2014.

Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ nhiệm HTX Thanh long ruột đỏ Đại Đức cho biết, để vào được thị trường Mỹ, các hộ xã viên phải tuân thủ nghiêm quy trình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP và phải được cấp giấy chứng nhận VietGAP; sản phẩm được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, mẫu mã và chất lượng đồng đều, trọng lượng trái trung bình từ 0,5 - 0,8 kg/quả.

Không chật vật tìm hướng xuất khẩu như nhiều DN, HTX ngành thủy sản, gần đây HTX dịch vụ Thủy sản Đức Thịnh, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tỏ ra khá năng động khi kết hợp mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với kinh doanh nhà hàng hải sản tươi sống trên bè.

Ông Lý Đức Thắng – Chủ nhiệm HTX vui vẻ nói: “Nhà hàng tuy mới mở nhưng rất đông khách, những ngày cuối tuần không đủ chỗ ngồi, ngoài ra HTX còn cung cấp hàng cho các chợ lẻ nên thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó”.

Không thể hô hào suông

Công bằng mà nói, cho đến nay các DN, HTX xuất khẩu vẫn tự “cứu” mình là chính. Ông Đinh Văn Hương – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã ví von: Nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng rau quả, trái cây nói riêng đang trong bối cảnh “sáng tươi, chiều héo, tối bỏ đi”.

Hơn bao giờ hết, cơ quan quản lý và ngành chức năng phải cùng nhau bắt tay hỗ trợ DN, HTX... bằng những chính sách cụ thể, giúp sản phẩm rau quả tiếp cận được các thị trường lớn, yêu cầu cao như Hoa Kỳ, EU, cũng như thị trường gần ở khu vực châu Á.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngoài thị trường truyền thống, có sức tiêu thụ tốt như Philippines thì VFA cũng đang tích cực khai thác các thị trường khác như Indonesia, Malaysia, châu Phi...

“Gần đây chúng tôi đã mở được thị trường Mexico, nếu tiêu thụ tốt thì đây là “bàn đạp” để mở rộng xuất khẩu gạo ra cả châu Mỹ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã khôi phục được các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy sản phẩm vào các thị trường này chưa nhiều, nhưng bù lại giá bán cao hơn, và là cơ hội để chúng ta giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc” – ông Bảy nói.

Trước việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu nông, thủy sản, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đều cho rằng cần nhanh chóng có những đánh giá, dự báo để có thể ứng phó nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Cụ thể, Bộ NNPTNT đã đưa ra giải pháp ứng phó đối với một số mặt hàng nông sản chính khi thị trường có biến động. Với gạo, giải pháp trước mắt là tạm trữ và đấu thầu xuất khẩu khi thuận lợi; tăng cường tuyên truyền các DN, người dân sử dụng gạo cho chế biến, chăn nuôi; tăng cường xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận riêng về thương mại gạo với Malaysia,. khai thông các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trong đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN đầu mối để tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống và mở thị trường mới.

Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương đã ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa 2 bộ, nhằm tăng cường tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông, thủy sản, nhất là phối hợp tìm cách giúp nông sản giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ rà soát nhu cầu tiêu dùng nông, thủy sản tại các thị trường, cơ chế và chính sách nhập khẩu để từ đó đề xuất, đàm phán, ký kết các thỏa thuận tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Đồng thời tích cực đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng nông, thủy sản bằng việc đưa các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trường, dỡ bỏ rào cản thương mại… trong các đàm phán (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU…).

Về lâu dài, cần tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Cuba, Philippines, Indonesia, Malaysia, Ghana, khu vực châu Phi; các thị trường mới có tiềm năng như Nga, Đông Timo, Angiêri, Hongkong, Singapore, Haiiti; Mexico và các nước Nam Mỹ..., đồng thời giảm sản lượng lúa gạo, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án tái cơ cấu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem