Nông thôn mới Đồng Tháp, dùng điện thoại chăm vườn nho trồng 7 giống khác nhau, cả làng phục lăn

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 11/07/2023 05:26 AM (GMT+7)
Đối với nông thôn mới áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số, anh Ngô Hùng Thắng ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được nhiều người dân ở ĐBSCL biết đến. Anh trồng nho với 7 giống khác nhau, giám sát, điều khiển quy trình theo dõi, chăm sóc từ điện thoại.
Bình luận 0

Trồng thành công 7 giống nho trên vùng đất Đồng Tháp

Gần đây nhất, anh Thắng làm nhiều người phải bất ngờ khi thành công với mô hình trồng nho. Theo đó, ở phía trên, anh lắp đặt mái che, ở phía dưới đất sử dụng màng phủ nông nghiệp và đặc biệt là có hệ thống tưới tự động thông minh (bao gồm cả hệ thống cung cấp dinh dưỡng) cho cây nho từ lúc trồng đến thu hoạch trái).

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 1.

Vườn nho 7 giống khác nhau của anh Ngô Hùng Thắng ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, đây là mô hình trồng nho thử nghiệm của anh Thắng, với 7 giống nho khác nhau. Dù có đặc điểm sinh trưởng và thích nghi khác nhau nhưng các giống nho đều phát triển rất tốt ở điều kiện khí hậu vùng ĐBSCL.

Đến thời điểm này, đã có một số giống nho cho trái sau 8 tháng trồng. Trong thời gian tới, các giống nho còn lại sẽ tiếp tục cho trái (có một số giống nho trồng 1,5 năm mới cho trái).

Mặc dù diện tích trồng thử nghiệm chỉ 500m2 và chỉ có 200m2 cho trái nhưng do vườn nho đẹp (thân nho leo bám theo khung hình mái nhà, khi cho trái nhiều nhìn đẹp, kết hợp với một số tiểu cảnh), nhiều người dân ở địa phương cũng như khách du lịch đã tìm đến tham quan rất nhiều.

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 2.

Dù có đặc điểm sinh trưởng và thích nghi khác nhau nhưng các giống nho do anh Ngô Hùng Thắng trồng đều phát triển rất tốt ở điều kiện khí hậu vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 3.

Hiện đã có 1 số giống nho cho trái. Ảnh: NVCC

Anh Thắng cho biết, mặc dù là mô hình thử nghiệm (nhiều giống nho khó trồng ở miền Tây, nếu trồng được thì năng suất không cao) nhưng mang lại hiệu quả tích cực. Chỉ 200m2 cho trái nhưng thu hoạch đợt đầu và bán được trái 15 triệu đồng trong thời gian ngắn, riêng khách tham quan cũng thu được từ 25-26 triệu đồng tiền vé.

Trong thời gian tới, anh Thắng cho biết sẽ "chơi lớn" bằng cách mở rộng vườn nho rộng ra thêm gần 2.000m2. Trong diện tích này, anh sẽ thiết kế thêm nhiều điểm có view thật đẹp để khách tham quan check in.

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 4.

Trong thời gian tới, anh còn trồng thêm một số loại nho ngoại khác để khách chiêm ngưỡng, ăn thử. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài ra, anh còn trồng thêm một số loại nho ngoại khác để khách chiêm ngưỡng, ăn thử. Trước mắt là trồng nho sữa Hàn Quốc. "ĐBSCL có rất ít người trồng nho sữa Hàn Quốc nhưng chưa ai thành công vì năng suất chưa đạt. Ở Hàn Quốc, nông dân bên đó trồng trái nhiều, do hợp với khí lạnh" - anh Thắng nói.

Tự chế tạo ra hệ thống tưới tự động thông minh cho cây nho

Anh Thắng cho biết, mô hình của anh thành công lớn bởi khâu áp hệ thống tưới tự động thông minh cho cây nho từ lúc trồng đến thu hoạch. Trong quá trình chăm sóc, chất dinh dưỡng cho nho cũng cung cấp qua hệ thống tưới này.

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 5.

Anh Ngô Hùng Thắng giới thiệu hệ thống tưới tự động thông minh được giám sát, điều khiển từ điện thoại. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 6.

Chỉ 200m2 cho trái nhưng anh Ngô Hùng Thắng thu hoạch đợt đầu và bán được trái 15 triệu đồng. Ảnh: Huỳnh Xây

"Hệ thống tưới tự động thông minh này sẽ kịp thời tưới nước khi cây nho thiếu nước và ngưng khi cung cấp đủ nước. Chất dinh dưỡng cũng sẽ được tự động cung cấp theo từng giai đoạn phát triển của cây. Tất cả đều được tự động hoàn toàn do tôi thiết lập sẵn" - anh Thắng thông tin.

Qua tìm hiểu, hệ thống tưới tự động của anh Thắng được kết nối với ứng dụng trên điện thoại thông minh theo công nghệ Iot. Tất cả đều do anh Thắng tự tay nghiên cứu, thiết lập và quản lý.

Do được lắp đặt hệ thống tưới tự động thông minh nên đối với mô hình trồng nho, anh Thắng chỉ còn việc đi cắt tỉa, dọn dẹp vệ sinh, thiết kế vườn sao cho đẹp hơn. Hay nói cách khác, hệ thống tưới tự động thông minh sẽ giúp tiết kiệm chi phí tối đa và công lao động.

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 7.

Khách đến tham quan vườn nho của anh Ngô Hùng Thắng. Ảnh: NVCC

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 8.

Khách chụp ảnh check in tại vườn nho. Ảnh: NVCC

Ngỡ ngàng với vườn nho 7 giống khác nhau ở Đồng Tháp - Ảnh 8.

Nhiều người đến tham quan, chụp ảnh tại vườn nho. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, hiện nay anh Thắng còn nghiên cứu, phát triển thêm công nghệ xử lý ra hoa cho hệ thống tự động của mình. Bởi theo anh, do điều kiện thời tiết, một số giống nho phải cần xử lý ra hoa để hỗ trợ và đạt được năng suất như mong muốn.

Theo Hội Nông dân huyện Lấp Vò, mô hình trồng nho áp dụng hệ thống tưới tự động thông minh của anh Thắng là mô hình mới, bước đầu mang hiệu quả, vừa thu nhập được từ việc bán trái, vừa có thể làm du lịch. Đây là mô hình điểm để nhân rộng trong thời gian tới của huyện Lấp Vò.

Với mong muốn giúp người dân ĐBSCL nói chung, người dân tỉnh Đồng Tháp nói riêng giảm tối đa chi phí sản xuất và nhân công lao động, trước hệ thống tưới tự động thông minh cho vườn nho, anh Ngô Hùng Thắng đã chế tạo ra nhiều hệ thống tưới nước tự động như hệ thống tưới vườn cây ăn trái, hệ thống tưới vườn lan, hệ thống tưới vườn rau cải xoan, trạm bơm tự động,...Đây là một trong những cách nông dân áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem