An vui bên dòng Sê Pôn

Lê San Thứ hai, ngày 31/08/2015 06:00 AM (GMT+7)
Trên bến sông, nơi dòng Sê Pôn nối giữa nước Việt Nam và nước bạn Lào, bà con Pa Kô, Vân Kiều hai bên tấp nập qua lại thăm hỏi, làm ăn buôn bán. Những chuyến đò chở nông sản xuôi ngược, tiếng nói, tiếng cười rộn vang cả mặt nước. Khác xa với cảnh đìu hiu, đói nghèo những năm trước đây.
Bình luận 0

Điển hình xoá đói, giảm nghèo

Xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là xã có đông đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều sinh sống. Ông Phạm Xuân San- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm trước đây, đời sống của người dân trong xã rất khó khăn, nhất là đối với đồng bào Pa Kô, Vân Kiều vì kinh tế chủ yếu là làm nương rẫy. Phần lớn bà con canh tác theo phương thức truyền thống nên hiệu quả không cao, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám luẩn quẩn.

img

Bà con Vân Kiều vui mừng vì có mùa sắn bội thu. Ảnh: Lê San

Trước thực trạng đó, nhiều năm liền, chính quyền xã chủ động phối hợp với các cán bộ, bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn vận động đồng bào đoàn kết phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo. Theo đó, các đoàn thể như đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ… đã cùng các chiến sĩ biên phòng đã đến từng nhà tuyên truyền, giúp đỡ các hộ trồng cây lúa, cây sắn và trồng cây chuối để đạt được hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đến nay số hộ nghèo trong xã giảm từ gần 200 hộ (năm 2010) xuống còn 85 hộ (14,7%). Điều đáng mừng là bà con đã biết nỗ lực sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Men theo con đường dẫn ra khu sản xuất của đồng bào, chúng tôi gặp già Hồ Văn Nhum- Trưởng bản 6 đang chở sắn về nhà. Già Nhum tươi cười, bảo: “Sắn nhà mình trồng đấy, mỗi vụ thu hoạch, một khoanh rẫy cũng được mấy tạ chứ không ít đâu. Năm nay giá sắn ổn định khoảng 20 nghìn đồng/kg nên miềng vui lắm. Bà con không chỉ trồng sắn, trồng lúa nước mà còn trồng cả chuối thương phẩm nữa, với giá chuối khoảng 10 nghìn đồng/kg cũng đem lại cho bà con nguồn thu nhập tương đối ổn định hàng tháng”.

Như người một nhà

"Tình cảm dân làng hai bên biên giới bây giờ đoàn kết lắm, nhất là từ khi đồn biên phòng hai nước tổ chức kết nghĩa các cặp bản - bản. Đến nay đã có 5 cặp kết nghĩa bản - bản giữa chính quyền hai bên. Mọi người cũng có quan hệ họ hàng, thân thiết nữa nên không có kẻ xấu nào lợi dụng được đâu”.
Đại úy Lê Đăng Hoàng

“Không chỉ biết cách làm ăn, đồng bào còn sang nước bạn Lào giúp đỡ người dân bên đó kỹ thuật canh tác nữa đấy” – đại úy Lê Đăng Hoàng - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Thuận giới thiệu.

Với đặc điểm là xã biên giới, có chung đường biên trên sông Sê Pôn với nước bạn Lào nên đồng bào hai bên thường xuyên qua lại thăm hỏi lẫn nhau.

Chỉ vào những nương chuối, nương sắn xanh mướt, già Hồ Văn Nhum bảo: “Những nương chuối, nương sắn kia là của đồng bào Vân Kiều mình cả đấy, vụ này được mùa nên bà con phấn khởi lắm. Những đồi chuối bên kia sông là của người dân nước bạn nhưng cũng có phần công sức giúp đỡ không nhỏ của đồng bào mình. Bà con mình sang tận nơi chỉ cho họ cách trồng lúa, trồng chuối, sắn, cách chăn nuôi nữa nên tình cảm hai bên như người một nhà mà”.

Đại uý Hoàng cho biết thêm: “Đường sá bên nước bạn đi lại còn khó khăn lắm, không thuận tiện như bên mình nên bà con thu mua nông sản rồi chuyển về Việt Nam, sau đó xuất ngược lại qua cửa khẩu”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem