Bán cá cảnh "sang Tây" dễ thì nhiều, nhưng khó cũng không ít

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 23/09/2018 10:30 AM (GMT+7)
Để xuất khẩu được cá cảnh ra thị trường nước ngoài, người nuôi cá cảnh phải đáp ứng được nhiều điều kiện khắc khe về vệ sinh, dịch bệnh...
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, thành viên Hiệp hội cá cảnh thế giới OFI, châu Âu là thị trường khó tính và nhiều rào cản kỹ thuật phức tạp. Đơn cử như bệnh KHV trên cá chép bị kiểm soát gắt ao.

img

Cá cảnh phải đáp ứng được nhiều điều kiện khắc khe về vệ sinh, dịch bệnh mới xuất khẩu được sang thị trường nước ngoài. Ảnh: Nguyên Vỹ

 “Tại châu Á, Hàn Quốc là một trong những nước khó xuất khẩu cá cảnh vì các yêu cầu về giấy phép kiểm dịch NAFI rất gắt gao. Cho nên, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng là rất cần thiết”, ông Thiện cho biết.

Tại TP.HCM, HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn được biết đến như một đơn vị có tỷ trọng xuất khẩu cá cảnh lớn nhất thành phố. Hiện có 50 hộ thành viên trong và ngoài thành phố sản xuất, cung cấp cá cảnh cho HTX này. Thị trường tiêu thụ chính của HTX là xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á.

img

Người nuôi phải chủ động đự tổ chức vệ sinh phòng trừ các loại dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc HTX cho biết thị trường nước ngoài luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với loại vật nuôi này. Để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, các cơ sở sản xuất đều phải có quy trình chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh ngay từ đầu để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Nghề nuôi cá cảnh cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Người nuôi phải chủ động đự đoán, dự báo trước để tổ chức vệ sinh phòng trừ các loại dịch bệnh.

img

Các cơ sở sản xuất đều phải có quy trình chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh ngay từ đầu để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngay từ đầu, cá giống phải chọn được giống tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đội ngũ cán bộ công nhân viên phải đảm bảo vấn đề vệ sinh được thực hiện hàng ngày. Hàng tuần phải có lịch công tác cụ thể cho tới xử lý nguồn nước.

“Ngay cả việc đóng hàng, xuất hàng cũng phải đáp ứng những điều kiện kỹ thuật riêng để thỏa mãn nhu cầu của đối tác. Người nuôi phải luôn phục vụ tốt nhất. Đó là điều kiện để giữ khách hàng và giữ thị trường đầu ra”, ông Thủy kể.

Theo Chi cục thủy sản TP.HCM, nghề sản xuất cá cảnh ở thành phố chủ yếu với quy mô nhỏ lẽ, manh mún. Hầu hết các trại nuôi cá cảnh chưa có sự đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng.

img

Việc đóng hàng, xuất hàng cũng phải đáp ứng những điều kiện kỹ thuật riêng để thỏa mãn nhu cầu của đối tác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Võ Thị Mộng Thu – Chi cục trưởng Chi cục thủy sản nhận xét, việc thực hành sản xuất cá cảnh hiện vẫn mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, không tuân thủ theo quy trình chuẩn. Vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số khu vực trong thành phố cùng ảnh hường xấu đến sự phát triển cá cảnh.

Năm 2018, TP.HCM đặt mục tiêu sản lượng cá cảnh sản xuất đạt 180 triệu con; sản lượng xuất khẩu 20 – 21 triệu con, tương đương kim ngạch đạt 22 – 23 triệu USD.

“Để hoàn thành nhiệm vụ, Chi cục sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ sở cá cảnh triển khai quy phạm thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh, tập trung hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống cá cảnh, phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát môi trường nuôi để hạn chế rủi ro”, bà Thu cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem