Bệnh đầu lân tàn phá vườn nhãn

Thứ ba, ngày 12/07/2011 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đang ồ ạt đốn bỏ vườn nhãn vì cây mắc bệnh đầu lân (chổi rồng). Hàng chục ngàn ha nhãn đã đổ bệnh, trở thành cây "làm nghèo" nhà vườn...
Bình luận 0

Vườn nhãn... thành củi

Mấy tháng qua, nhiều người dân xã An Nhơn (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) chuyển từ sử dụng bếp gas sang dùng lò đốt bằng củi nhãn. Ở xã trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp này, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân đốn bỏ loại cây làm giàu gắn bó với họ hàng chục năm nay.

img
Nông dân Huỳnh Văn Nho (xã An Hòa, Châu Thành, Đồng Tháp) bên vườn nhãn đã đốn trụi cành.

Anh Võ Văn Liêm nhiều năm nay thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ 1ha nhãn da bò, đã phải ngậm ngùi kêu thợ cưa tới đốn bỏ vì hàng trăm gốc nhãn 10 năm tuổi bệnh đầu lân không thể phục hồi.

Nhiều hộ dân gần nhà anh Liêm đang chạy chữa bằng cách đốn bỏ những nhánh nhãn bệnh nhưng vẫn không hiệu quả, vườn nhãn cứ tàn lụi dần. Theo Phòng NNPTNT huyện Châu Thành (Đồng Tháp), hơn 90% trong tổng số 3.600ha vườn nhãn trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh đầu lân với tốc độ lây lan rất nhanh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, hơn 41.000ha trồng nhãn ở ĐBSCL có từ 50- 90% diện tích bị nhiễm bệnh đầu lân và bệnh này có thể lây lan 100% diện tích trong thời gian tới. Thiệt hại nặng nhất phải kể đến những tỉnh lâu nay rất mạnh về trồng nhãn như Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang…

Căn bệnh bất trị

Theo nhiều nhà vườn, bệnh đầu lân gây ảnh hưởng đến sản lượng quả, có thể giảm đến 70 - 80% năng suất và chưa có thuốc đặc trị lẫn biện pháp phòng trị. Việc khôi phục vườn nhãn bị bệnh là rất tốn kém, mà không hiệu quả. Vì vậy, cách duy nhất mà nhà vườn làm hiện nay là… đốn bỏ.

Theo nông dân Huỳnh Văn Nho (xã An Hòa, huyện Châu Thành, Đồng Tháp), ngành nông nghiệp khuyến cáo phải tỉa vườn cây thông thoáng, cắt tất cả mầm bệnh bằng cách tiêu hủy và đốn bỏ cây bệnh, dùng thuốc đặc trị nhện trong giai đoạn cây chớm ra nhánh và hoa để hạn chế bệnh. Nhưng nhà vườn làm theo vẫn không thấy hiệu quả.

img Mấy năm nay cả nhà tôi sống nhờ vào vườn nhãn, giờ thì đốn bỏ không kịp. Mọi năm cứ một gốc nhãn thu nhập cả triệu đồng, giờ cưa củi bán rẻ như cho mà cũng không ai thèm mua. img

Nông dân Huỳnh Văn Nho (xã An Hòa, Châu Thành, Đồng Tháp)

Ông Huỳnh Văn Giàu - Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) cho biết: "Mấy năm trước, nhãn bị bệnh đầu lân vô phương cứu chữa nên nông dân đốn bỏ gần hết. Nay, người trồng nhãn ở địa phương cũng đang tính tới giải pháp đốn bỏ vườn nhãn để chuyển qua trồng cam vì không tìm được biện pháp cứu nhãn…".

Theo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, bệnh đầu lân bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Từ năm 2005, bệnh bùng phát thành dịch tại một số tỉnh Đông Nam Bộ. Nhện lông nhung (Eirophyes litchii Keifer) chính là tác nhân truyền bệnh, gây nên hiện tượng bệnh đầu lân trên nhãn.

Theo tiến sĩ Châu, muốn kiểm soát bệnh này thì Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí cho người dân để cùng phun thuốc đồng loạt. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa thể thực hiện nên bệnh trên cây ngày càng lan rộng và khó có thể chữa trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem