Cách làm mới của “làng không ruộng”

Phan Phương Thứ hai, ngày 04/08/2014 06:37 AM (GMT+7)
Thôn Thống Nhất còn có tên gọi khác là “làng không ruộng”, bởi hơn 100 hộ dân của thôn không có nổi một thước đất để trồng lúa, khoai. Dân nghèo, làng nghèo nhưng nữ trưởng thôn nơi đây lại có cách làm NTM  hiệu quả khiến nhiều người nể phục…
Bình luận 0

Tài quán xuyến của nữ trưởng thôn

Tìm về thôn Thống Nhất (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) dù biết trước trưởng thôn ở đây là “bà” chứ không phải “ông” như nhiều nơi khác, chúng tôi vẫn thoáng ngỡ ngàng khi được tiếp xúc với một nữ trưởng thôn rất duyên dáng.

Với cách nói chuyện nhẹ nhàng, có duyên, Trưởng thôn Thống Nhất Nguyễn Thị Ngọc Lan dễ gây cảm tình với người đối diện. Chị Lan kể, sau khi học hết trung học, chị thi vào trường thương nghiệp rồi đi làm, nhưng rồi cái duyên ở quê cứ níu kéo chị trở về. Thấy chị nhanh nhẹn hoạt bát, bà con đã tin tưởng bầu chị vào chức trưởng thôn Thống Nhất khi mới hơn 30 tuổi.

Thôn Thống Nhất vốn là một HTX sản xuất gạch ngói có từ thời bao cấp. Do làm gạch ngói nên trước đây, đất đai, ruộng vườn của thôn đều chuyển cho dân làng khác làm nông nghiệp.

Khi chuyển sang cơ chế thị trường, gạch ngói do làng Thống Nhất làm thủ công không thể cạnh tranh nên HTX Thống Nhất giải tán, đẩy người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp và trắng tay vì tất cả ruộng đất đều đã thuộc về những làng khác xung quanh.

Khi được bầu là trưởng thôn của “làng không ruộng”, chị Lan đã tất tả chạy khắp nơi tìm kế sinh nhai cho làng. Sau nhiều năm chị Lan chạy lên chạy xuống huyện xin lại ruộng, kết quả là huyện đã “cắt” 3ha đất 5% của xã để chia cho thôn Thống Nhất. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân nơi đây tuy chưa thoát nghèo, nhưng dần ổn định hơn.

Lấy uy tín làm tài sản thế chấp

Hỏi chuyện làm NTM, chị Lan cho biết, khi mới triển khai, chị cũng lo đến mất ăn mất ngủ. Nhiều thôn giàu có, làm còn khó, huống hồ dân Thống Nhất đa số còn nghèo, nhiều hộ cơm ăn chưa đủ no lấy đâu ra tiền đóng góp để cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Sau khi khảo sát kỹ các con đường trong thôn đi về các xóm, chị Lan tổ chức họp dân và đưa ra phương án: Mọi công việc đều do người dân tự thi công. Chị cho người đi tham quan các nơi đã làm để học hỏi kinh nghiệm, các khâu thiết kế, kỹ thuật cứ theo địa hình cụ thể mà làm, nhờ đó thôn Thống Nhất tiết kiệm được khá nhiều tiền thiết kế, tư vấn giám sát.

Căng nhất là tiền mua xi măng, cát sạn... Vậy là chị Lan lại họp dân. Chị lên kế hoạch cụ thể cho từng xóm, người dân góp nộp được bao nhiêu làm bấy nhiều, lúc nào có làm tiếp. Thống nhất với dân xong, chị Lan tìm đến các đại lý trên địa bàn đặt vấn đề mua vật liệu rồi ghi nợ có thời hạn. Thấy chị trình bày có trước có sau, các cửa hàng cũng nhất trí cho người dân Thống Nhất nợ với tài sản thế chấp là uy tín của nữ trưởng thôn.

Ngay cách huy động góp sức làm NTM ở Thống Nhất cũng khác, tức là nộp theo hộ, theo hoàn cảnh chứ không cào bằng theo khẩu như một số nơi. Gia đình nào khó khăn, neo đơn, ốm yếu được miễn giảm; những gia đình khá giả hơn thì “gánh” phần nhiều.

“Ở đây việc gì cũng vậy, phải 100% dân nhất trí chúng tôi mới làm” – chị Lan nhấn mạnh. Thôn Thống Nhất có 7 tuyến đường (mỗi tuyến dài gần 300m) thì hầu hết các tuyến đang được bê tông hóa theo chuẩn NTM. Đường xong, ai cũng mừng vì từ nay thoát khỏi cảnh lầy lội, bụi mù.

“Bà con hễ có tiền là họ đem nộp ngay chứ không hề dây dưa, không đợi đến kỳ hẹn mới nộp” – chị Lan phấn khởi nói.

   Thống Nhất huy động góp sức làm NTM theo hộ, theo hoàn cảnh chứ không cào bằng theo khẩu như một số nơi. Gia đình nào khó khăn, neo đơn, được miễn giảm; những gia đình khá giả hơn thì “gánh” phần nhiều...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem