Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán gây khó cho chặn dịch tả heo châu Phi

Nguyễn Vy Thứ hai, ngày 04/03/2019 09:48 AM (GMT+7)
Sáng nay (4/3), tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF), Bộ NNPTNT đánh giá chăn nuôi nhỏ lẻ đang làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, phức tạp.
Bình luận 0

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết, ngành chăn nuôi trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức như năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng và ATTP chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp.

Khó kiểm soát dịch bệnh

Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến những bất cập nêu trên là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và nay là ASF.

img

Việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm còn hạn chế.

Ngoài những đặc tính sinh học nguy hại của dịch bệnh, tác động từ dịch bệnh đối với chăn nuôi còn do “đặc thù của điều kiện khí hậu nóng ẩm, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong các khu dân cư càng làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, phức tạp”, báo cáo nêu rõ.

Theo thống kê, năm 2016, cả nước có 3,4 triệu hộ chăn nuôi lợn. Hiện nay chỉ còn 2,5 triệu hộ, với 13,8 triệu con; chiếm 49% tổng đàn. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm khoảng 42% sản lượng thịt lợn hơi của cả nước

Đối với dịch bệnh ASF, Bộ NNPTNT đánh giá các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến.

Ngoài ra, các hoạt động do tác nhân con người cũng khiến dịch bệnh lan nhanh như việc vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, (nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc) vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vừa qua.

img

Chăn nuôi nông hộ khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Lượng khách du lịch từ các nước vào Việt Nam có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn có thể mang theo mầm bệnh ASF. Khâu giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh.

Đặc biệt, giá lợn hơi tăng cao vào các tháng cuối năm 2018 khiến nhiều người hám lợi, không khai báo khi có dịch bệnh; vẫn gọi thương lái để bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh... làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

Công tác phòng chống còn hạn chế

Tính từ ngày 1.2 đến ngày 3.3, bệnh ASF đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Tuy nhiên đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh ASF.

img

Đến nay, tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ NNPTNT cũng nhìn nhận còn nhiều bất cập trong việc triển khai ở cấp địa phương. Từ cuối năm 2018, nhiều nơi thực hiện việc sáp nhập cơ quan thú y cấp tỉnh, cấp huyện nhưng việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả.

Vấn đề người chăn nuôi quan tâm nhất là giá hỗ trợ khi lợn bị tiêu hủy (quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi) thấp hơn so với giá thị trường. Bộ NNPTN còn cho biết có nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; và thủ tục vướng víu vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền địa phương.

Thực tế triển khai các nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư. Và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn. Thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian khiến người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh mà không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.

Chế độ thù lao cho người ở nhiều địa phương cũng không có hoặc thấp dẫn đến tình trạng ngại, không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là khi cần phải thực hiện trong thời gian dài.

img

Trung Quốc đã thực hiện biện pháp cứng rắn cũng như hỗ trợ nông dân để phòng chống dịch ASF

Theo kinh nghiệm phòng, chống ASF của Trung Quốc, ngoài các biện pháp cứng rắn như thiết lập vùng dịch, đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống ở các tỉnh có dịch, nước này có chính sách hỗ trợ tài chính 1.200 nhân dân tệ/con lợn (khoảng 180 USD) và không phân biệt loại lợn, lợn to, nhỏ.

Từ một số hạn chế nêu trên và tính cấp thiết trong phòng, chống dịch ASF hiện nay, Bộ NNPTNT đề xuất với Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% theo giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt; tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Nguồn kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Đồng thời bỏ luôn điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem