Dai dẳng “cuộc chiến” giảm nghèo: Có người không muốn...thoát nghèo

Trần Quang Thứ hai, ngày 19/03/2018 09:15 AM (GMT+7)
Dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ trung ương đến các địa phương, nhưng hiện nay công tác giảm nghèo tại vùng cao vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có nhiều hộ... không muốn thoát nghèo.
Bình luận 0

"Có người không muốn thoát nghèo"

Huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, có độ dốc lớn, diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp thấp. Tất cả các xã của Bảo Lâm đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ.

img

Gia đình bà Lân Thị Vân sống trong căn nhà sàn lụp xụp, cũ nát ở xã Cần Yên, huyện Thông Nông (Cao Bằng). Ảnh: Trần Quang

Tháng 9.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020…

Ông Vũ Ngọc Lưu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm - cho hay, năm 2017, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt gần 27.000 tấn, đàn gia súc, gia cầm gần 318.000 con... Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong năm ước đạt 7,5 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch. Song ông Lưu cũng thừa nhận một số hạn chế, khó khăn địa phương đang gặp phải. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn chiếm trên 50% dân số với trên 6.000 hộ và trên 2.000 hộ cận nghèo, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ít người có đường giao thông đi lại khó khăn.

Nguyên nhân, theo ông Lưu là do "Bảo Lâm là huyện có xuất phát điểm thấp, là một trong những huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra... Ngoài ra, cũng khó tránh khỏi nguyên nhân khách quan như người đứng đầu tại một số địa phương còn thiếu quan tâm, công tác thông tin tuyên truyền về ý thức giảm nghèo, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp… Đáng nói, trong số đó còn có một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo để hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước".

Huyện Quản Bạ cửa ngõ của cao nguyên đá Đồng Văn, đồng bào các dân tộc cũng còn rất nghèo. Ông Giàng Cồ Diu - Phó Bí thư thường trực huyện Quản Bạ cho biết, khi bắt tay vào triển khai điều tra kinh tế đa chiều, Quản Bạ có hơn 70% số hộ nghèo. Trong 2 năm trở lại đây, nhờ các chính sách, hỗ trợ kịp thời của địa phương, đến nay toàn huyện đang cố gắng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn trên dưới 45%.

Theo ông Diu, hiện trên địa bàn huyện mỗi nơi có một vài hộ không muốn thoát nghèo do thiếu hiểu biết và muốn hưởng cơ chế, chính sách, hỗ trợ của Nhà nước. "Hàng năm chúng tôi cho cán bộ đi điều tra kinh tế hộ theo đa chiều rất kỹ lưỡng, đối với những trường hợp hộ không muốn thoát nghèo nhưng qua quá trình tính toán, tổng thu của một năm nếu đạt hoặc vượt tiêu chuẩn thì họ vẫn phải thoát nghèo chứ chúng tôi không thể để bà con ở diện nghèo mãi được" - ông Diu khẳng định.

Ông Thào Hồng Sơn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn, song trong năm 2017 vừa qua Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đã giảm được 4,7% hộ nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn khoảng gần 39%, trong đó còn 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất khoảng gần 60% là Mèo Vạc và Đồng Văn.

"Trong năm 2018 này, chúng tôi đang phấn đấu giảm 5% hộ nghèo. Để làm được như thế, cùng với các chính sách hỗ trợ, cần xây dựng và phát triển các sản phẩm mang tính độc đáo của Hà Giang như hồng không hạt, mật ong bạc hà..." - ông Sơn khẳng định.

Nghèo giữa vựa ngô

img

 Bà Nông Thị Mùa, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) kiếm rau về chăm con lợn của gia đình. Ảnh: Trần Quang

"Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam vẫn đang vận hành Quỹ Hỗ trợ nông dân rất tốt và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ vốn cho dân làm ăn thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.

Chủ tịch Hội NDVN
Thào Xuân Sùng

Sống giữa vựa ngô ở Mộc Châu (Sơn La) nhưng gia đình ông Thào Minh Hùng vẫn nghèo. "Không thiếu ăn như ở các vùng khác nhưng chúng tôi nghèo vì quá nhiều ngô, năm nào được mùa là y như rằng sẽ mất giá, có năm giá ngô rớt thê thảm chỉ còn dưới 2.000 đồng/kg khiến bà con ở đây khổ cực vô cùng" - ông Hùng cho hay.

Lý giải nguyên nhân sự trái ngược trên, ông Hùng cho rằng: "Một phần là do thời tiết thất thường, nhưng nguyên nhân chính là do đường giao thông đi lại khó khăn, nhất là đường vào bản của tôi thuộc diện khó khăn nhất ở Mộc Châu nên nông sản hay bị thương lái ép giá, nhiều khi bà con làm ra sản phẩm tốt nhưng giá không bằng giá ngô xấu họ bán ở nơi khác, làm cho nông dân rất chán nản".

Nói về nguyên nhân tỷ lệ nghèo ở vùng cao còn ở mức cao, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho rằng: "Hiện nay có 5 nguyên nhân: Thứ nhất là do đất sản xuất của nông dân đã bạc màu, đất có thể sản xuất được cây hàng hóa còn rất ít, trong khi đó phần nhiều diện tích đất là khu vực rừng khoanh nuôi.

Thứ 2 là do hạ tầng giao thông, điện, nước... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. "Do không có điện, nước nên việc sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn, thậm chí nhiều khi người dân làm ra sản phẩm lại không hoặc khó vận chuyển đi bán được do đường giao thông đi lại khó khăn nên cũng khiến bà con chán nản, mất động lực làm ăn". Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng.

Nguyên nhân thứ 3 là do số người được dạy nghề và biết nghề còn hạn chế. Đáng nói hơn là các giáo án dạy nghề, lý thuyết nghề của các cơ quan đào tạo còn hạn chế, chưa sát với thực tiễn nên khi đào tạo không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Thứ 4 là do dân không có tiền và không biết vay tiền ở đâu để đầu tư và sản xuất. "Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao Ngân hàng CSXH Việt Nam cho bà con vay và giao cho Hội ND lập Quỹ Hỗ trợ nông dân" - Chủ tịch Thào Xuân Sùng chia sẻ.

Theo Chủ tịch Thào Xuân Sùng, nguyên thứ 5 và cũng là nguyên nhân mấu chốt, quan trọng nhất là do đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản còn yếu về trình độ cũng như năng lực, trí tuệ, dẫn đến việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm ăn, sản xuất không đến nơi đến chốn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem