Dạy nghề làm sừng ở Thụy Ứng: Hiệu quả chưa như mong đợi

Bảo Yến Thứ hai, ngày 30/03/2015 13:00 PM (GMT+7)
Trung bình mỗi năm, địa phương tổ chức từ 1 -2 lớp học nâng cao cho người dân làng nghề lược sừng truyền thống Thụy Ứng (xã Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội). Tuy nhiên, lớp học được mở ra song hiệu quả lại không được như mong đợi của người dân.
Bình luận 0

Nội dung không thiết thực

Từ lâu, Thụy Ứng được biết đến một làng nghề “độc nhất vô nhị” là đồ thủ công mỹ nghệ được làm từ sừng trâu, sừng bò. Nghề truyền thống đã thực mang lại cho người dân nơi đây một cuộc sống no đủ với thu nhập từ 30- 40 triệu đồng/năm/người. Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương đã mở nhiều lớp học nâng cao tay nghề cho bà con. Gọi là lớp học nâng cao tay nghề vì những người học nghề đã biết nghề thế nhưng nội dung dạy lại không được “nâng cao”.

img

Công nhân trong 1 xưởng chế tác sừng đang miệt mài làm việc.

Nói về những lớp học nghề của xã ông Nguyễn Mạnh Hùng – phụ trách quản lý làng nghề Thụy Ứng cho biết: “Thường các lớp học chỉ học trong một buổi và nội dung học là giới thiệu về lịch sử làng nghề, hướng dẫn vài nét cơ bản về nghề, sau đó cho các học viên tự về nhà làm trong các xưởng.

Theo lịch thì lớp học 3 tháng, nhưng thực tế chỉ học trong vòng 1 tháng, đúng hơn là một vài ngày”. Học viên Trần Thị Lệ (41 tuổi, Thụy Ứng, Thường Tín) chia sẻ: “Năm 2014, tôi có tham gia một lớp học dạy nâng cao tay nghề làm lược sừng. Thực tế, chỉ đi học cho vui thôi, chứ tất cả những kiến thức thầy dạy tôi đều biết hết”.

Chính quyền kêu khó


Nghệ nhân Nguyễn Văn Kiến (Thụy Ứng, xã Hòa Bình)
 Để có một chiếc lược sừng tinh xảo, đòi hỏi  người làm cần có nhiều đức tính như: Hoa tay, kiên nhẫn, trí tưởng tượng và phải có thời gian để mày mò tìm hiểu. Thế nhưng, với một thời gian học ngắn, người dạy nghề lại thiếu nhiều kinh nghiệm thì không thể nào dạy học viên nâng cao tay nghề được. Như vậy, dần dần những món đồ tinh xảo được chế tác từ sừng sẽ vắng bóng. 
Lớp học nâng cao tay nghề tại đây do các hội, đoàn thể trong xã phối hợp với các chủ doanh nghiệp có xưởng nghề tổ chức. Mỗi lớp học có khoảng 50 học viên nhưng chủ yếu là người của xưởng, bao giờ thiếu học viên thì mới đi “vận động” người dân đi học. Kết thúc lớp nâng cao tay nghề, những học viên có điều kiện mở xưởng riêng thì UBND xã sẽ hỗ trợ thủ tục vay vốn, còn không có thể làm thuê cho các xưởng trong xã. Ông Nguyễn Đình Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình cho biết: “Số lượng học viên sau khi tham gia lớp học tự đứng ra mở cơ sở sản xuất là rất ít, vì chủ yếu các học viên là người của xưởng nên tiếp tục làm trong các xưởng sản xuất cũ”.

 

Nói về hiệu quả lớp học, ông Nguyễn Văn Học – Phó Chủ tịch xã Hòa Bình thừa nhận: “Việc dạy nghề ở làng nghề chưa thực sự mang lại hiệu quả, phương thức dạy đúng là còn nhiều điểm chưa phù hợp với người dân”. Ông Học cho rằng, nguyên nhân chính là do thiếu giảng viên chính quy, cơ sở vật chất của xã chưa đủ. 3 tháng là thời gian dài, nhưng để dạy nâng cao kỹ năng làm nghề lại là không đủ. Đồng thời, các học viên đã có nghề nên việc dạy lại kiến thức cũ khiến họ không hào hứng. “Hạn chế lớn của lớp học là chỉ có thể truyền đạt cho người dân một số mẫu mã và kỹ năng cơ bản của nghề. Trong khi đó, cái cần là tìm đầu ra cho sản phẩm thì lớp học lại không giải quyết được” - ông Học cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem