Đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chí môi trường

Chu Hồng Châu Thứ sáu, ngày 29/04/2016 14:03 PM (GMT+7)
Đó là nội dung hội thảo Xây dựng mô hình cộng đồng xử lý môi trường bền vững ở các xã nông thôn mới (NTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NNPTNT, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc và UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 28.4.
Bình luận 0

Theo số liệu báo cáo của Văn phòng điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến hết năm 2015, cả nước có 1.674 xã và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, tuy nhiên tỷ lệ các xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường chỉ đạt 42,4% - là tiêu chí đạt tỷ lệ thấp nhất đến thời điểm này.

img

Công nhân đang vận hành lò đốt rác thải tại xã Hải Đông (huyện Hải Hậu, Nam Định). Ảnh Chu Châu

Trên thực tế, từ kết quả tại các địa phương cũng như qua khảo sát thí điểm của Đoàn thẩm tra các huyện đề xuất đạt chuẩn NTM của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí số 17 còn thấp hơn nhiều so với báo cáo. Nguyên nhân do nguồn lực hạn chế nên các địa phương thường ưu tiên triển khai trước các tiêu chí hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển sản xuất..., ít quan tâm đến tiêu chí môi trường. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo còn mang tính hình thức, số liệu chưa tin cậy; một số quy định còn bất cập, chưa phù hợp với khu vực nông thôn (như đối với xử lý nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản).

Tổng cục Môi trường cũng cho biết, nhiều thôn, xã chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ môi trường, chưa có đơn vị chuyên trách về thu gom rác thải; việc xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hoặc đổ thải lộ thiên nên không đảm bảo vệ sinh môi trường; hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, chảy vào ao, hồ, sông, suối...

Trước những khó khăn, bất cập đó, tại hội thảo nhiều ý kiến đề xuất cần phải sửa đổi tiêu chí môi trường. Theo đó, đối với các làng nghề truyền thống, thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên xem xét công nhận; các làng nghề tái chế, thuộc da... yêu cầu phải có kế hoạch xử lý ô nhiễm, coi đó làm căn cứ xem xét, công nhận NTM.

Tiêu chí môi trường cần quản lý theo các nhóm đối tượng: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chung của xã (như hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải; có điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh...); Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn (tỷ lệ cây xanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm...); có biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại khu vực nông thôn; thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường hộ gia đình (nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước đạt tiêu chuẩn quy định; thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy định của địa phương; hệ thống thoát nước thải đảm bảo vệ sinh; thu gom, xử lý bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định)...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem