Gương sáng trong xây dựng nông thôn mới

Ngọc Lương (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 06/12/2015 06:00 AM (GMT+7)
Trong ngày 6 và 7.12, một số gương điển hình sẽ giao lưu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. NTNN giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu có đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Có tiền, có tâm

Ông Hà Tấn Tâm (SN 1963) - ở Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ. Năm 2000 phong trào nuôi cá tra ở quê ông Tâm phát triển, ông đã bàn với gia đình đào ao nuôi 3ha cá tra. Sau những thất bại, người nông dân này hiểu cần phải chủ động về con giống, vật tư đầu vào và đầu ra mới mong đạt được kết quả tốt.

img

Ông Hà Tấn Tâm (trái) được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì tại Đại hội thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến Hội Nông dân Việt Nam lần thứ IV.  Ảnh:  LHT

Năm 2008, ông nhiều hộ trong Hợp tác xã Cá tra Thới An đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương. Công ty khoán cung cấp thức ăn và khoán chi phí, đổi lại người nuôi phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, hưởng giá trị trên sản lượng cùng phần chi phí nếu tiết kiệm được trong quá trình nuôi.

Ông Tâm cho biết: “Hiện tôi có 15 ao cá tra nuôi gia công, diện tích mặt nước 5ha, sản lượng đạt 4.000-5.000 tấn/năm. Nhờ tiết giảm chi phí, liên kết sản xuất nên cá xuất bán cho lãi bình quân từ 1.000-1.500 đồng/kg. Mỗi vụ thu lãi từ cá tra khoảng 5-6 tỷ đồng. Việc tiêu thụ cá tra dễ dàng vì doanh nghiệp bao tiêu, không có chuyện ép giá  bởi phần vốn đầu tư của doanh nghiệp rất lớn". Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tâm còn là người hăng say làm từ thiện. Từ năm 2012 đến năm 2014, trung bình mỗi năm, ông đóng góp cho địa phương khoảng 200 triệu đồng để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, tặng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Chỉ tính riêng năm 2014, ông đã góp khoảng 500 triệu đồng cho công tác an sinh xã hội của địa phương.

Sáng chế gắn liền với nhà nông

Ông Phan Tấn Bện (Đồng Tháp) là chủ cơ sở cơ khí Phan Tấn. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp kỹ sư ra trường, ông Bện về làm việc cho nhà máy cơ khí của tỉnh Đồng Tháp. Khoảng 5 năm sau, ông về huyện Tháp Mười khởi nghiệp bằng tiệm cơ khí nhỏ. Sau thời gian, cơ sở này đã cho ra đời mẫu máy gặt đập liên hợp đầu tiên vào năm 2009, được đông đảo nông dân địa phương đón nhận.

Khi thấy thị trường máy gặt đập lúa liên hợp trong nước bão hòa, ông Bện bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu máy thu hoạch ngô - lúa “2 trong 1” để cho ra thị trường. Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm sau thu hoạch lúa ngày càng cao, ông Bện tiếp tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy thu hoạch rơm. Máy cuốn rơm do cơ sở của ông Bện sản xuất đã lên đường sang Campuchia và máy gặt đập liên hợp đã xuất sang Myanmar.

Người dân tộc giỏi làm ăn

  Tại Đại hội thi đua yêu nước lần này, có 13 bộ, ban ngành đoàn thể T.Ư và 13 tỉnh làm tốt phong trào xây dựng NTM sẽ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đối với địa phương dẫn đầu cụm thi đua sẽ được thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và công trình trị giá 30 tỷ đồng... 
Bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua -Khen thưởng T.Ư 

Người dân tộc điển hình ông Vàng Seo Hầu, dân tộc Mông, ở thôn Hóa Chèo Chải, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Từ một gia đình khó khăn, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năm nào gia đình ông Hầu cũng được mùa ngô, lúa. Bên cạnh trồng lúa, ngô, gia đình gia đình ông Hầu còn tập trung vào chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, nên đã có thu nhập ổn định.

Để phát triển kinh tế gia đình hơn nữa, ông Hầu dùng tiền gom góp trong gia đình cộng với vay vốn từ ngân hàng để mua xe ô tô phục vụ việc thu mua, vận chuyển nông sản và vật liệu xây dựng cho bà con trong thôn, xã và huyện.

Đến nay, với mô hình sản xuất nông, lâm, chăn nuôi, kết hợp với kinh doanh vận tải, gia đình ông Hầu đã có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Hầu còn hỗ trợ vật chất, chia sẻ kinh nghiệm để các hộ trong thôn, xã cùng vươn lên thoát nghèo. Mỗi năm, gia đình ông giúp từ 3 - 5 hộ nghèo trong thôn bằng việc cho các hộ này vay tiền mua giống, phân bón để sản xuất.

Một gương người dân tộc khác là bà Lồ Lài Sửu, dân tộc Tu Dí, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, Lào Cai. Gia đình gồm bà Sửu gồm 3 thế hệ cùng chung sống là một trong những gia đình tiêu biểu trong phong trào "Gia đình hạnh phúc, tiến bộ, nuôi con khỏe dạy con ngoan" và "ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền của huyện Mường Khương.

Từ hộ có kinh tế khó khăn, gia đình bà Sửu đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác đất đồi bạc mầu sang trồng cây ăn quả (trồng trên 3.000 cây quýt). Gia đình bà Sửu còn nuôi thêm trâu, ngựa và lợn thịt cùng nhiều gia cầm các loại và kinh doanh thêm hàng tạp hóa.

Bình quân thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Gia đình bà Sửu còn luôn hỗ trợ cho người dân địa phương về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội của thôn, xã và sẵn sàng giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần cho những gia đình, có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem