Hà Nội triển khai Quyết định 68 của thủ tướng chính phủ: Hỗ trợ tới nông dân quá chậm

Thanh Xuân - Minh Hồng Thứ năm, ngày 11/09/2014 07:08 AM (GMT+7)
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp là rất “đúng và trúng”, nhưng do gặp nhiều khó khăn nên việc triển khai tới tay nông dân vẫn còn quá chậm. 
Bình luận 0

Chưa có tiền hỗ trợ năm 2014

Là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng thứ 2 toàn quốc (chỉ sau Thanh Hoá), lại có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, song Hà Nội mới có khoảng 10 - 15% diện tích trồng lúa sử dụng máy móc.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện toàn thành phố có 520 máy gặt, 125 máy cấy và nhiều nhất vẫn là máy làm đất, với tỷ lệ làm đất bằng máy đạt gần 90%, trong khi gặt chỉ đạt 15%, cấy 1,5%. Trên toàn quốc, tỷ lệ diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng máy móc còn thấp hơn nhiều, hiện mới đạt 2%, còn lại 98% là sản xuất thủ công (theo thống kê của Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội).

Ông Nguyễn Công Khánh, nông dân xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức – TP. Hà Nội) cho biết: Ai cũng muốn cày cấy bằng máy móc, nhưng cái khó lớn nhất của nông dân hiện nay vẫn là vốn. Để mua một chiếc máy làm đất, máy cấy hoặc máy gặp đập liên hợp, loại rẻ nhất cũng trên 100 triệu đồng, trong khi không phải nông dân nào cũng có một khoản tiền lớn như thế để đầu tư.

“Khi biết Nhà nước có chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp, tôi cũng làm hồ sơ gửi xã, sau đó xã gửi lên huyện, gia đình đã mua máy về nhưng gần 1 năm nay, tôi vẫn chưa thấy có tiền hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, máy làm đất chỉ hoạt động khi vào thời vụ, có tháng nghỉ chơi dài nhưng gia đình vẫn phải trả lãi ngân hàng” - ông Khánh cho biết.

Liên quan tới những thắc mắc về việc hỗ trợ lãi suất cho người dân mua máy nông nghiệp, ông Ngô Đình Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, đúng là đến thời điểm này, Hà Nội mới hỗ trợ được tiền lãi suất cho các hộ mua máy móc trong năm 2013 (55 máy), năm 2014 có 32 máy nông nghiệp mua mới nhưng người dân chưa được hỗ trợ.

“Nguyên nhân là năm 2014, do kinh tế gặp khó khăn, phải cấp bù ngân sách nhà nước nên thành phố vẫn chưa có nguồn hỗ trợ người dân. Hiện chúng tôi cũng đang cố gắng đề xuất lãnh đạo thành phố sớm bố trí kinh phí cấp bù lãi suất cho người dân trong năm 2014” – ông Giang nói.

Ngân hàng “bắt tay” doanh nghiệp vào cuộc

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Dục – Phó Giám đốc Ngân hàng NNPTNT (Agribank) Chi nhánh Hà Tây cho biết, việc chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch được thực hiện đến năm 2020 cho thấy đây là chính sách “dài hơi” nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Để triển khai Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ, Agribank cũng đã ban hành Quyết định 592 trong toàn hệ thống của Agribank trên toàn quốc. Theo đó, Chi nhánh Agribank Hà Tây đã mạnh dạn ký thoả thuận với Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội – đơn vị chuyên bán các loại máy móc nông nghiệp để triển khai.

“Qua đó, việc triển khai hỗ trợ lãi suất mua máy móc chắc chắn sẽ thuận tiện hơn, đảm bảo đồng vốn hỗ trợ đến với người dân nhanh hơn. Lãi suất cũng theo quy định của từng thời kỳ, nếu người dân vay ngắn hạn là 8%/năm và vay trung hạn từ 3 năm trở lên là 12%/năm” - ông Dục nói.

Cũng theo ông Dục, điểm mới của việc hợp tác với doanh nghiệp lần này là doanh nghiệp sẽ đứng ra cam kết với ngân hàng để vay vốn cho người dân mua máy móc. Đặc biệt là với những hộ gia đình không có tài sản thế chấp, họ có thể sử dụng chính chiếc máy mới mua làm tài sản thế chấp với ngân hàng để được vay vốn. Mức vay tối đa lên tới 100% đối với hộ gia đình, cá nhân mua máy đơn chiếc và tối đa 70% đối với các dự án.

Ông Lê Văn Minh – Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội cho biết, nếu người dân có ý định mua máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp thì đây là thời điểm thích hợp nhất và nên mua sớm để đảm bảo được hỗ trợ.

Trường hợp mua máy muộn, cán bộ địa phương thấy ở xã đó đã có nhiều máy móc sẽ không phê duyệt nữa, hoặc có phê duyệt thì mua được máy về sẽ phải đi làm ở các địa bàn xa hơn, chi phí theo đó sẽ tăng cao hơn, thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn.

“Trong quá trình phối hợp với ngân hàng, công ty sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí làm thủ tục cho bà con và dự kiến, năm nay chúng tôi sẽ cung ứng 3.000 máy móc các loại. Chúng tôi cũng lưu ý là bà con chỉ được hỗ trợ lãi suất ưu đãi khi trả lãi đúng kỳ hạn và phải mua máy nông nghiệp mới. Chính sách này không hỗ trợ đối với máy móc thiết bị cũ” – ông Minh nhấn mạnh.

   Theo Quyết định 68, nông dân, các tổ chức, HTX trực tiếp sản xuất có thể vay vốn để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa và Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất trong vốn vay trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3. Đặc biệt, người dân không còn phải e ngại các quy định ở Quyết định 63, Quyết định 65 với điều kiện các tổ chức, cá nhân muốn vay vốn từ chương trình phải mua máy có tỷ lệ nội địa trên 60% trở lên và phải nằm trong danh mục hàng hóa được hỗ trợ do Bộ NNPTNT công nhận. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên việc triển khai Quyết định 68 ở các địa phương vẫn rất chậm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem