Hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ít được học nghề

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 05/12/2016 13:45 PM (GMT+7)
Đây là thông tin mới được công bố tại hội thảo “Công bố báo cáo nghiên cứu và tham vấn kế hoạch, khung hướng dẫn đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (do Tổ chức Oxfam, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Tổng cục Dạy nghề tổ chức cuối tuần qua).
Bình luận 0

Người dân tộc thiểu số ít cơ hội học nghề

Khảo sát của Oxfam về vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2011-2015 ở 7 tỉnh, thành gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh cho thấy, hầu hết đều đạt được mục tiêu số lượng người dân tham gia học nghề cũng như tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề (đạt 70%).

img

Lớp học thú y dành cho bà con đồng bào dân tộc tại Yên Minh, Hà Giang.       Ảnh: Minh Nguyệt

Mặc dù vậy, ông Hoàng Xuân Thành thuộc đơn vị tư vấn, khảo sát cũng cho biết, chỉ có 3% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được học nghề. Về nguyên tắc, tất cả đối tượng là lao động nông thôn nếu có nhu cầu học nghề đều được đăng ký học nghề. Thực tế, qua khảo sát, cách thức lựa chọn đối tượng học nghề ở một số nơi chưa mang lại nhiều cơ hội cho nhóm hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng phổ biến có thể thấy là do người dân ngại học nghề, không muốn đi học xa, dài ngày, công việc thời vụ cho thu nhập cao. Hoàng Ta Sù- cán bộ ở xã Đăk Som, huyện Đăk Glong (Đăk Nông) cho hay: “Mình  vận động đi học đối tượng nào hiểu, còn đối tượng nào không hiểu thì mình ít vận động. Các hộ nghèo mình đi vận động 1-2 lần không tham gia thì thôi luôn”.

Câu chuyện ở xã Đăk Som cũng chính là thực tế chung tại nhiều địa bàn được đoàn khảo sát. Phần đông cán bộ đều lựa chọn hộ khá, hộ người Kinh, hộ biết chữ, hộ đã có kinh nghiệm làm nghề. Bởi vì  theo lý giải, chỉ những người này mới áp dụng các kiến thức được học vào sản xuất nông nghiệp. Cách làm này vô hình chung làm hạn chế cơ hội học nghề của người nghèo dân tộc thiểu số.

Hiệu quả dạy nghề còn thấp

Mặc dù đã cố gắng tìm những hình thức dạy, thời gian dạy phù hợp, nhưng đa phần lao động nông thôn vẫn cho biết họ khó tiếp cận với việc học. Học ban ngày thì bận lên nương rẫy, còn học ban đêm thì giảm khả năng thực hành và bất lợi cho phụ nữ có con nhỏ, bận công việc gia đình. Thậm chí, nhiều lao động nông thôn phản ánh giáo trình, thiết kế thời lượng thực hành còn quá ít, chưa phù hợp. Chị Sủng Thị Lát ở thôn Tỉn Thàng, xã La Pan Tẩn (Mường Khương, Lào Cai) phản ánh: “Học 3 tháng liên tục thấy dài quá. Học lý thuyết thì nhiều mà thực hành thì ít. Học trồng cây mà chỉ có một buổi thực hành ở trên rừng thì khó hiểu lắm”.

Trong khi đó, thời gian dành cho các lớp học nghề phi nông nghiệp lại quá ngắn. Anh Nguyễn Văn Nam ở Quỳ Châu (Nghệ An) thì cho rằng: “Học nghề nông nghiệp có 200 tiết, ngày nào cũng học trong vòng 3 tháng thì học viên thấy dài, nhưng với nghề phi nông nghiệp như sửa xe máy hay thêu dệt… thì không đủ vì học còn phải thực hành, làm lâu mới thành thợ được”.

Theo ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn: “Bộ NNPTNT cũng đang tính toán, rà soát lại các chương trình, giáo trình trước đó để hoàn thiện giáo trình nghề nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thời gian học”.

Chi phí dành cho đào tạo nghề nông thôn rất lớn, riêng giai đoạn 2017 – 2020 khoảng 1.750 tỷ đồng. Thế nên, để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, cần nắm rõ đối tượng có mong muốn học, kết hợp với việc thay đổi nội dung giáo trình dạy các nghề nông nghiệp cho phù hợp”.

Ông Hoàng Xuân Thành

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem