Hội thi Nhà nông đua tài: Đi thi cũng là đi học

Thứ hai, ngày 20/08/2012 13:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 17.8, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Ban An toàn giao thông, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài” lần thứ III.
Bình luận 0

Gần 100 thí sinh đến từ Hội Nông dân (ND) 9 huyện, thị và thành phố tham gia hội thi. Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý cũng về dự. Mặc dù trời mưa, nhưng từ sáng sớm hội trường lớn của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc - nơi diễn ra hội thi đã chật kín khán giả đến xem và cổ vũ. Điều mà các thí sinh và khán giả trải nghiệm qua hội thi là biết và hiểu thêm nhiều kiến thức về xã hội, nhất là kiến thức về sản xuất nông nghiệp.

img
Các thí sinh hào hứng trong phần thi “Trả lời câu hỏi qua hình ảnh”. Nguyễn Công

Hiểu thêm kiến thức để sản xuất tốt hơn

Thi xong phần lý thuyết, chị Nguyễn Thị Liệu - thí sinh đến từ xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỏ ra rất vui vẻ. Hỏi chuyện, chị mới thổ lộ mình trả lời rất lưu loát câu hỏi về kiến thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

“Thú thực, địa phương tôi chưa áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng vì là con nhà nông chăn nuôi, trồng cấy quen tay nên nhiều khái niệm sản xuất hữu cơ tôi đọc là hiểu ngay, như giống bản địa, thiên địch, phân bón hữu cơ hay trồng cây dẫn dụ… Chính vì hiểu nên tôi nhớ rất nhanh kiến thức đã học. Tôi cũng mong ở địa phương tôi sớm áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ…”- chị Liệu thổ lộ.

Sau 4 phần thi (chào hỏi, lý thuyết, trắc nghiệm và tiểu phẩm), giải Nhất hội thi thuộc về đội huyện Vĩnh Tường; giải Nhì là đội thị xã Phúc Yên và huyện Tam Dương. Các đội TP.Vĩnh Yên, huyện Sông Lô, Yên Lạc nhận giải Ba.

Vĩnh Phúc là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là phát triển về chăn nuôi và trồng rau màu. Những kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rau màu được các thí sinh hào hứng học hỏi khi luyện tập. Chị Nguyễn Thị Nhung (thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường) chia sẻ: “Bên cạnh nghề buôn nông sản, Thổ Tang còn nổi tiếng là vựa rau, nhất là các loại rau gia vị. Đi thi Nhà nông đua tài giống như đi học tự nguyện, giúp tôi củng cố thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng rau màu…”.

Khán giả cũng giỏi

Xen kẽ trong 4 phần thi của các đội là phần thi dành cho khán giả. Ở phần thi này, Ban tổ chức đã khéo léo đưa các kiến thức về luật pháp, quy định đối với người tham gia giao thông. “Phần thi dành cho khán giả không chỉ hào hứng do có những chiếc mũ bảo hiểm làm quà tặng mà còn cho thấy nông dân hiểu khá rõ về các quy định khi tham gia giao thông…”- bác Nam-một cổ động viên đến từ huyện Yên Lạc bày tỏ.

“Trả lời câu hỏi qua hình ảnh” cũng là phần thi gây hào hứng cho khán giả bởi có nhiều câu thí sinh của tất cả các đội đều không trả lời được, thậm chí có đội trả lời tới 2-3 lượt mà vẫn trật. Chị Ngô Thị Vụ ở xã Tam Hợp (Bình Xuyên) thổ lộ: “Chúng tôi là dân chuyên trồng ngô nếp nù để bán mà cũng không biết được bệnh đốm lá to, đốm lá nhỏ. Không chỉ câu hỏi về cây ngô, qua hội thi, tôi còn biết thêm nhiều bệnh ở các loại cây trồng, vật nuôi khác…”.

Ngồi dưới hội trường, anh Đỗ Hữu Báu - cổ động viên đến từ huyện Tam Dương lý giải: “Ngô bị đốm lá to, đốm lá nhỏ thường xuất hiện ở giai đoạn hạt chuẩn bị đông cứng. Các hộ trồng ngô nếp thường bán non khi bệnh chưa xuất hiện đồng loạt, còn các huyện khác trồng nhiều rau màu nên cũng không biết là điều dễ hiểu”. Nhiều khán giả cho rằng việc có những câu hỏi thí sinh không trả lời được nhưng khán giả lại trả lời được càng làm cho không khí hội thi thêm phần rộn ràng, hưng phấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem