Kinh tế nông hộ - “đòn bẩy” ở đất Tây Đô

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 14/07/2017 06:45 AM (GMT+7)
Bên cạnh các mô hình kinh tế hộ truyền thống, nhiều mô hình mới đã nổi lên giúp cho hơn 5.200 gia đình ở TP.Cần Thơ thoát nghèo bền vững.
Bình luận 0

Nhiều mô hình mới, cho thu nhập cao

Ông Nguyễn Thanh Vững - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố nổi lên nhiều mô hình mới, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững. “Đó là mô hình tổ phun xịt thuốc thuê, tổ dịch vụ bơm tưới và làm đất, đan sọt trồng hoa kiểng, sản xuất và cung ứng dịch vụ hoa tươi… Những mô hình này không cần nhiều diện tích, ít vốn nhưng lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Cụ thể như mô hình tổ phun xịt thuốc thuê ở huyện Cờ Đỏ có lúc thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/ngày” – ông Vững thông tin. 

img

img

Anh Vĩnh có thu nhập tiền triệu mỗi ngày từ việc bán đọt xoài. Ảnh: H.X

Cũng theo ông Vững, ngoài các mô hình trên, các mô hình nuôi trồng mang lại hiệu quả cao cũng không ngừng được nhân rộng ở các địa phương. Các mô hình có thể kể đến là: Nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi trăn, nuôi cá lóc, trồng chuối cấy mô, trồng cam mật…

Theo thống kê của Hội Nông dân TP.Cần Thơ, riêng năm 2016, Hội đã xây dựng được 32 mô hình, trong đó có nhiều mô hình mới, qua đó giúp được 385 hộ dân thoát nghèo. Trong năm 2017 này, nhiều mô hình đang thực hiện cho kết quả bước đầu rất tốt. Anh Võ Quốc Vĩnh - Hội viên Hội Nông dân xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) khoe: “Gia đình tôi có thu nhập tiền triệu mỗi ngày từ việc bán đọt xoài cho các các cơ sở, nhà vườn ở tỉnh Bến Tre làm bo ghép (ghép vào thân cây khác để tạo ra cây giống mới)”.

Tích cực hỗ trợ

Ông Huỳnh Cao Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ cho hay: “Để các mô hình trong dân phát huy hiệu quả thì phải có nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước. Vì vậy, tới đây, phía lãnh đạo xã sẽ tranh thủ hơn nữa trong việc tìm các nguồn vốn hỗ trợ cho người dân vay. Chính quyền địa phương phải xuống tận hộ dân để tìm hiểu để có sự hỗ trợ kịp thời, tránh để dân “tự bơi”.

Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ nhận định: Bên cạnh những mô hình làm ăn hiệu quả vẫn còn nhiều mô hình gặp khó khăn. Nguyên nhân là do các hộ tham gia thực hiện đa số là hộ nghèo, cận nghèo vốn ít; tiếp thu khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Ở một số địa phương triển khai mô hình còn dàn trải...  

Trước tình hình trên, bà Mai cho biết, phía sở sẽ cùng các ngành, quận, huyện thị trấn sẽ tiếp tục đánh giá lại hiệu quả các mô hình. Đồng thời, tăng cường mở thêm lớp đào tạo nghề (theo nguyện vọng của người dân) để tăng thêm thu nhập cho người dân.

Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng, các ngành chức năng cần tập trung hơn trong công tác tuyên truyền giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, tránh ỷ lại và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem