Kỳ thú: Lang thang trong rừng cao su săn rau "của nợ" kiếm bộn tiền

Thứ tư, ngày 24/07/2019 07:05 AM (GMT+7)
Trước đây, rau càng cua như cái “của nợ” mọc hoang đầy vườn. Những năm gần đây, rau càng cua bỗng dưng mất hút, chỉ còn mọc trong những lô cao su mà thôi. Của hiếm nên đắt… Giờ thì rau càng cua đã trở thành loại rau đặc sản trong các nhà hàng. Bởi vậy, đến mùa là người ta đua nhau đi hái. Người già, trẻ con, công nhân cao su cũng tranh thủ thời gian rảnh đi hái rau càng cua để kiếm thêm thu nhập.
Bình luận 0

Rau dại thành đặc sản

Mùa rau càng cua bắt đầu từ tháng 8 cho đến khoảng cuối tháng 11. Ðây cũng là thời điểm mưa nhiều nên rau mọc xanh tốt. Vài năm trở lại đây, các loại rau dại, rau rừng thường mọc trên đồi hoặc các thung lũng bán chạy như tôm tươi, hầu như lúc nào cũng trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Không chỉ người dân địa phương thích rau rừng, rau dại (trong đó, có rau càng cua) mà nhiều nhà hàng lớn cũng xem đây là nguồn bổ sung làm phong phú thực đơn nhằm phục vụ khách. 

img

Bà Nguyễn Thị Mười Hai  đang hái rau càng cua tại rừng cao su ở huyện Cẩm Mỹ.

Do nhu cầu nói trên, từ mấy năm nay, cứ đến mùa mưa là bà Nguyễn Thị Mười Hai, 49 tuổi, nhà ở ấp 61, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ và nhiều người dân trong vùng lại đi hái rau dại về bán. Bà Mười Hai thường ra khỏi nhà từ lúc sáng sớm và đến quá nửa buổi đã trở về.

“Vào mùa này, mỗi buổi sáng, nhiều người cầm theo túi nylon lớn, nhỏ các loại đi vào rừng cao su để hái rau càng cua. Mọi người thường hái rau trong khoảng 3 tiếng (6 - 9 giờ). Sau đó đem bán lại cho những đầu mối thu mua để họ phân phối đi các nơi. Khi đến tay người dùng, rau đã qua tay của vài người rồi. Coi vậy mà họ cũng kiếm được khá tiền từ rau càng cua đấy…”, bà Mười Hai cho biết.

Theo bà, trước đây loại rau này mọc nhiều lắm. Cứ mùa mưa là rau tự mọc ở những chỗ đất trống. Dù không ai chăm sóc nhưng loại rau này lúc nào cũng mọc xanh tốt. Người dân địa phương và bộ đội đi hành quân đến đâu cũng thường hái rau càng cua để ăn, thay cho rau xanh trong bữa cơm.

Thế nhưng, từ mấy năm nay, rau hiếm dần và chỉ còn mọc nhiều trong rừng cao su. Khi rau hiếm thì nhiều người mới khám phá ra đây là loại rau sạch, có vị lạ thơm, ngon. Từ đó, mới bắt đầu có người đi tìm hái rau càng cua để bán. Ðến nay thì cả người lớn, trẻ em, thậm chí công nhân cao su cũng tranh thủ thời gian rảnh để hái rau kiếm thêm thu nhập.

Anh Ka Ðế, sinh năm 1972, người dân tộc Cơ Ho, ngụ cùng ấp với bà Mười Hai nói: “Trung bình mỗi lần hái, tôi và cháu kiếm được 7 - 8kg rau càng cua. Mỗi kg rau bán bán ra được 10.000 đồng. Hái được bao nhiêu thì có người đến tận nhà thu mua hết đến đó. Như vậy, chỉ tranh thủ một ít thời gian buổi sáng cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng”, anh nói.

img

Rau càng cua vừa hái buổi sáng trong những cánh rừng cao su ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Những người đi hái rau càng cua chỉ hái rau vào buổi sáng vì lúc này, rau mới tươi và ngon. Khi mang về dùng trong ngày, rau vẫn giữ được nguyên vị ngon và độ giòn của nó.

“Loại rau này có vị hơi chua, ăn giòn, thường dùng bóp gỏi gà, tai heo, bò… trong các đám tiệc, nhà hàng. Rau hái xong phải dùng trong ngày, nếu để qua ngày hôm sau là xem như ế. Nhà hàng chê thì chỉ có nước đổ đi…”, một người đàn ông tên Liêm, trạc 50 tuổi đang hái rau cho biết.

Theo những người đi hái rau, có không ít đầu mối thu mua đến địa phương để gom hàng chở đi TP. Hồ Chí Minh bán. Họ yêu cầu cung cấp rau chất lượng, ngày nào cũng phải có rau mới để giao cho họ vào lúc 9 giờ sáng với số lượng ổn định. Tuy họ trả giá cao (12.000 đồng/kg) nhưng người dân ở đây không ai dám đứng ra nhận.

Nguyên nhân là do rau càng cua ngày càng hiếm. Có khi mỗi buổi chỉ hái được chừng 1 - 2 kg. Ðó là chưa kể vào mùa khô, rau mọc ít hẳn nên không có nguồn cung. Rau ngày càng ít đi, nhưng nhu cầu người dùng lại tăng nên đã đẩy rau càng cua, một loại rau dại lên thành hàng đặc sản… 

Nghề “tay trái”

Mỗi sáng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ba, công nhân cao su ở xã Xuân Ðường, Cẩm Mỹ dậy từ 4 giờ sáng ra lô để cạo mủ cao su và không quên mang theo mấy chiếc túi nylon. Tranh thủ thời gian chờ trút mủ, vợ chồng anh Ba đi hái rau càng cua mọc trong lô cao su rồi bỏ vào túi nilon. Mỗi buổi sáng, hai vợ chồng hái được 4 - 5kg rau.

Từ ngày đi hái rau này để bán, thi thoảng có dịp đi thăm anh em ở xa, anh Ba thường hái thêm vài ký rau càng cua làm quà.

“Rau mùa này tươi ngon, thêm cái lạ miệng và lại mọc tự nhiên, không bón phân, không dùng chất hóa học nên người thành phố thích loại rau này lắm”, anh Ba nói.

Mỗi lần đi thăm người thân, bạn bè ở xa, anh thường mang theo vài ký rau càng cua để làm quà. Thấy rau ngon, ăn lạ miệng, nhiều người còn dặn anh “Lần sau lên không phải mua quà cáp gì, cứ đem đến ít rau càng cua là được!”.

img

Chị Hằng đang bán rau càng cua cho khách.

Cũng tương tự như anh Ba, công việc thường ngày của anh Ka Ðế là đi hái trái cây và đi cắt măng thuê. Tranh thủ giờ buổi sáng, cây còn chưa ráo sương anh cùng cháu của mình ra lô hái rau càng cua. Hái xong thì bán luôn tại chỗ, rồi anh mới vào công việc chính của mình.

Anh Ka Ðế cho hay, mùa này chôm chôm còn ít nên mình chuyển sang đi hái măng thuê cho các chủ vườn hoặc cho lái buôn. Mỗi một ngày đi hái măng như vậy, tùy theo số lượng và kiêm luôn việc vận chuyển rẫy lên đường lộ sẽ được được trả công từ 150.000 đến 180.000 đồng. Nếu tính cả thu nhập từ việc hái rau càng cua cũng được hơn 200.000 đồng/ngày.

“Thu nhập như vậy cũng khá lắm rồi đấy. Tuy mệt, nhưng được thêm tiền nên vui. Hơn nữa, mùa này mới có rau càng cua. Tháng 10 hết rau, còn đâu nữa mà hái”, anh nói. 

Không chỉ hái rau để vận chuyển đến các nơi xa, tại một số tuyến đường có bán trái cây phục vụ cho du khách đi đường cũng bày bán loại rau này.

Tại quầy bán các loại rau củ quả của chị Hà Thị Hằng, nằm trên tuyến quốc lộ 769, (đoạn giao với Hương lộ 10 đi Cẩm Mỹ) thuộc địa bàn xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho biết, nhiều du khách ghé dừng chân ở đây đều hỏi mua rau càng cua. Ở đây, rau càng cua được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg.

“Nhiều người đi đường phà Cát Lái và cả các chủ nhà hàng đều tìm đến đây mua rau càng cua. Mùa này, rau rừng dễ kiếm nên người đi hái cũng kiếm được khá tiền và người bán cũng có lời nhiều…”, chị Hằng cho biết.

Chạy dọc theo tuyến đường này, không riêng gì chị Hằng, nhiều điểm bán trái cây nằm sát lô cao su, dọc tuyến đường này cũng bày bán nhiều loại rau, trong đó có rau càng cua.

Du khách đi đường ghé mua rau thường đông vào cuối tuần, còn những người mua buôn thì ngày nào cũng đến lấy rau. Rau người dân đi hái ra đều được thu mua hết và trả tiền ngay. Thành thử, nhiều người rủ nhau vào lô cao su hái càng cua để bán và trở thành nghề “tay trái” đơn giản, nhẹ nhàng mà có thêm thu nhập.

Rau càng cua có tên khoa học là Peperomia Peliucida, thuộc nhóm thân cỏ. Ngoài tên gọi dân gian là rau càng cua thì loại rau này còn có nhiều tên gọi khác như đơn kim, đơn buốt, thích châm thảo, quỳ châm thảo, cương hoa thảo... Rau càng cua sinh sôi nảy nở trong môi trường ẩm ướt. Chỉ cần sau vài ba trận mưa, không cần gieo hạt, nhờ gió phát tán nên rau có thể nảy mầm bất cứ lúc nào khi gặp điều kiện thuận lợi.

Hoàng Lộc (Báo Lao động Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem