Làng quê Sài thành thay “áo mới”

Hồ Văn Thứ sáu, ngày 03/02/2017 07:15 AM (GMT+7)
Tính đến cuối năm 2016, TP.HCM đã có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 3/5 huyện được công nhận huyện NTM. Thành phố cũng đặt ra chỉ tiêu trong năm 2017 phải hoàn thành cơ bản chương trình này.
Bình luận 0

Mùa xuân đang thực sự về trên khắp các làng quê ngoại ô thành phố, trên những cánh đồng, những con đường làng đã được trải nhựa, láng bê tông, những ngôi trường ngói mới đỏ tươi…

Điểm sáng Tân Thông Hội

Năm 2009, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) được chọn là một trong 11 xã điểm của Trung ương về xây dựng mô hình NTM. Kể từ đó, bộ mặt xã thay đổi đến bất ngờ. Từ một vùng quê nghèo khó, giờ đây Tân Thông Hội khoác lên mình bộ áo mới với những con đường nhựa khang trang, những dãy nhà lầu san sát. Những mô hình nông nghiệp hiện đại, hiệu quả từ chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã mang lại thu nhập cao, thay đổi đời sống nông dân một cách đáng kể.

img

Những con đường làng khang trang, đẹp đẽ của xã Tân Thông Hội. Ảnh: Hồ Văn

Theo Tổ xây dựng NTM của xã Tân Thông Hội, xác định tái cơ cấu nông nghiệp là tiền đề lớn nhất trong việc xây dựng NTM, toàn xã đã mạnh dạn xóa bỏ diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả cao. Đã có nhiều mô hình triển khai thành công trên địa bàn xã như mô hình  rau an toàn, hoa lan-cây kiểng, cá kiểng xuất khẩu… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay là hơn 40 triệu đồng, gấp 2,2 lần khi triển khai đề án (18,6 triệu đồng).

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội chia sẻ, thành công của xã trong xây dựng NTM xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại địa phương, cộng đồng dân cư đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện giám sát và hưởng thụ. “Huy động nguồn lực nhân dân phải gắn liền với bồi dưỡng sức dân, thông qua các đề án hợp lòng dân, được nhân dân đồng tâm hiệp lực chung sức xây dựng NTM nên đã tạo được thành quả hơn mong đợi” - bà Tuyết phân tích.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, xây dựng NTM là làm sao để người dân được thụ hưởng các điều kiện sống tốt hơn, thành phố văn minh, xanh-sạch-đẹp hơn chứ không phải là việc đạt chuẩn hay không đạt chuẩn.

Cũng theo bà Tuyết, sự chung lòng của người dân thể hiện trong việc hiến đất làm đường và các công trình công cộng. Đã có gần 1.300 hộ hiến đất, với diện tích gần 34.000m2, quy ra tiền giá trị trên 60 tỷ đồng.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đến nay thành phố đã có 54/56 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, còn lại hai xã là Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) mới đạt 17/19 tiêu chí. 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, và huyện Nhà Bè đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM, 2 huyện còn lại là Bình Chánh và Cần Giờ cũng đã đạt chuẩn theo tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận.

Theo ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, không có gì là không thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Chỉ có điều cả hệ thống phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem