Lập Thạch thành công với tinh thần “tự lập”

Việt Tùng Thứ tư, ngày 19/10/2016 07:00 AM (GMT+7)
Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, tiêu chí dễ, ít chi phí làm trước, khó làm sau, đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường… Đó là cách làm đã đem lại hiệu quả cao cho huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc).
Bình luận 0

Đầu tư mạnh cho 5 xã cán đích

Ông Nguyễn Văn Thái – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Lập Thạch cho biết, sau 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ hơn 10% xuống còn 5%; thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94%, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đã được cứng hóa, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được nâng cao.

img

Trung tâm Văn hóa xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang được đầu tư xây mới quy củ. Ảnh: V.T

Theo báo cáo của UBND huyện Lập Thạch, hiện 100% các xã đã thành lập HTX hoặc tổ vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn; 17/18 xã đã xây dựng bãi thu gom, xử lý rác thải. Toàn huyện có 83% số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 46%...

Theo kế hoạch, cuối năm 2016, Lập Thạch sẽ có thêm 5 xã về đích NTM là Xuân Lôi, Tiên Lữ, Ngọc Mỹ, Đồng Ích và Liên Hòa. Cụ thể, hiện các xã Ngọc Mỹ, Xuân Lôi đã đạt 14/19 tiêu chí; Tiên Lữ đạt 15 tiêu chí, Đồng Ích đạt 13 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, giao thông, trường học, y tế và chợ nông thôn. Trong đó, các tiêu chí giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa là 3 tiêu chí khó khăn nhất.

“Để hoàn thành tiêu chí giao thông, cả 5 xã cần cứng hóa 31,7km đường trục xã, liên xã; 27,1km đường nội đồng; riêng Xuân Lôi cần hoàn thành 5,05km đường trục thôn. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 2 xã Xuân Lôi và Tiên Lữ đã hoàn thiện các thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng trung tâm văn hóa; riêng tại 2 xã Ngọc Mỹ, Liên Hòa thì trung tâm văn hóa đã được triển khai xây dựng… Các tiêu chí còn lại cũng đang được tích cực hoàn thiện” – ông Thái cho biết.

Theo ông Thái, khó khăn hiện nay của Lập Thạch là thiếu nguồn vốn đối ứng. Trung bình mỗi xã, muốn hoàn thành chương trình xây dựng NTM phải có ít nhất 14 -15 tỷ đồng vốn đối ứng để triển khai xây dựng các hạng mục như giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sân vận động, chợ… “Đó là số vốn rất lớn đối với các xã nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện. Để vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng NTM, một mặt huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của, mặt khác đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời chúng tôi cũng tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn” – ông Thái cho biết.

Chú trọng tiêu chí môi trường

Mặc dù đã về đích từ năm 2014, song với quyết tâm duy trì, giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn NTM, nhất là tiêu chí môi trường, đầu năm 2015 xã Bắc Bình đã thành lập 2 HTX môi trường với 24 thành viên. Theo đó, các thành viên hàng tuần 2 lần đến các điểm tập kết rác thu gom về bãi rác. Để việc thu gom rác đạt hiệu quả, nhanh chóng, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền việc bảo vệ môi trường, tuân thủ giờ đổ rác, vị trí đổ rác. Đặc biệt, đối với các hộ chăn nuôi, xã tích cực vận động bà con làm hầm biogas, cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường… Đến nay, toàn xã có 97% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có trên 48% số hộ sử dụng nước sạch; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Tương tự như Bắc Bình, xã Ngọc Mỹ cũng đã thành lập các tổ hợp tác thu gom rác, đồng thời ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng 3 bãi rác tập trung. Các tổ thu gom rác duy trì hoạt động thường xuyên với tần suất 5 ngày/lần; rác thải được thu gom và xử lý theo phương pháp chôn lấp và đốt là chủ yếu. Hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 95%, đường làng, ngõ, xóm luôn được vệ sinh sạch đẹp. Nhiều hộ gia đình đã tự giác xây dựng công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi...

Anh Nguyễn Văn Việt, một người dân ở xã Bắc Bình vui vẻ cho hay: “Từ khi có tổ hợp tác thu gom rác, đường làng ngõ xóm ở đây không còn cảnh vứt rác bừa bãi nữa”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem