May vá cho đời khấm khá

Đức Thịnh Thứ năm, ngày 22/09/2016 19:05 PM (GMT+7)
Nhờ được đào tạo nghề may công nghiệp bài bản, hàng trăm hộ nông dân (ND) ở xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) có thu nhập ổn định. Lớp học này do Trung tâm Dạy nghề huyện Tiên Du phối hợp với Hội ND xã Cảnh Hưng phối hợp tổ chức.
Bình luận 0

Nghề phụ, thu nhập chính

img

Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Thủy (đứng) đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đức Thịnh 

“Để tạo điều kiện cho các hộ dân làm nghề may có vốn phát triển kinh tế, Hội ND xã đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Với 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân T.Ư ủy thác cho vay thực hiện dự án may công nghiệp, 10 hộ ND xã Cảnh Hưng tham gia dự án (mỗi hộ đều vay 50 triệu đồng) đã có vốn mua thêm máy may công nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Thậm

Bà Nguyễn Thị Thậm – Chủ tịch Hội ND xã Cảnh Hưng cho biết, vài năm trở lại đây, công việc đồng áng vất vả, nặng nhọc mà thu nhập lại thấp. Do đó, đa phần thanh niên trong làng, xã không còn thiết tha làm ruộng mà lên thành phố làm thuê hoặc xin vào các công ty, xưởng công nghiệp gần nhà làm công nhân.

Nhằm giúp ND có kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc tự tạo việc làm tại chỗ, năm 2011, Hội ND xã Cảnh Hưng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề may công nghiệp ngắn hạn cho 30 học viên là ND. ND học nghề xong sẽ nhận may gia công cho các công ty, doanh nghiệp may tư nhân đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Thậm, đáp ứng đúng nguyện vọng nên bà con tham gia lớp học nghề rất hào hứng. Theo quy định, số học viên tối đa mỗi lớp chỉ có 35 học viên, nhưng buổi học nào cũng có thêm các học viên dự thính. Với phương châm dạy là cầm tay chỉ việc và học đi đôi với hành, học viên tiếp thu kiến thức rất nhanh. Cứ buổi sáng học lý thuyết thì buổi chiều các học viên học thực hành ngay trên máy may công nghiệp.

Nói về hiệu quả của lớp học nghề, bà Thậm vui mừng nói, đến nay lớp học đã kết thúc được gần 5 năm, nhưng tất cả học viên đều phát huy hiệu quả kiến thức được học. Nhiều hộ ND không chỉ thạo nghề may vá mà còn mạnh dạn mở các xưởng may công nghiệp quy mô lớn. “Hiện toàn xã có hơn 20 xưởng may công nghiệp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Từ nghề phụ, những năm gần đây, nghề may đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân trong xã. Hầu hết, bà con ở độ tuổi 18 – 35 trên địa bàn xã đều chọn nghề may để phát triển kinh tế gia đình”-bà Thậm nhấn mạnh.

Ai cũng có thể học nghề

Là một trong những học viên thành công sau lớp học nghề may công nghiệp, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Thượng) hiện đang là chủ 1 cơ sở may khá lớn ở thôn Thượng. Chúng tôi tới thăm chị Thủy khi chị đang tất bật cùng công nhân hoàn thành những công đoạn may vá cuối cùng để kịp giao hàng cho khách. Vừa làm chị Thủy vui vẻ nói: “Trước đây, thu nhập của cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nên rất khó khăn. Vợ chồng tôi cũng định bỏ làng lên phố làm công nhân nhưng con còn quá nhỏ không đành đi. Năm 2011, đang loay hoay tìm hướng đi mới thì Hội ND đến động viên đi học nghề may công nghiệp”.

Sau 3 tháng đào tạo, chị Thủy xin đi làm công nhân cho các cơ sở may công nghiệp gần nhà. Khi tay nghề đã vững cũng như tích lũy được chút vốn liếng, chị mạnh dạn mở xưởng may công nghiệp cho riêng mình. Khởi đầu chỉ với 2 máy may công nghiệp đến nay chị Thủy đã có gần 20 máy may, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Em Nguyễn Văn Tình - công nhân nam đang làm việc tại xưởng may của chị Thủy cho biết: “Lúc đầu em hơi ngại. Vào xưởng em mới biết có nhiều công đoạn phù hợp với nam giới như cắt may công nghiệp, các công đoạn là, đóng cúc hay đóng gói sản phẩm…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem