Mường Nhé đổi thay từ sức dân

Thứ ba, ngày 25/02/2014 09:40 AM (GMT+7)
Mường Nhé, mảnh đất xa xôi nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, nơi giáp ranh 3 nước Việt-Lào-Trung, vốn được nhiều người biết đến bởi sự khó khăn, thiếu thốn, đi lại vất vả. Nhưng bây giờ, Mường Nhé đã có những thay đổi lớn.
Bình luận 0
Nỗ lực thoát đói nghèo, lạc hậu

Ông Quách Thế Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện, tâm sự: Giao thông được đầu tư mạnh mẽ, khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân ngày một nhiều hơn nhờ huyện đã có trung tâm dạy nghề cho nông dân. Phong trào thi đua lao động sản xuất được thúc đẩy.

Nhà nước đã đầu tư cho huyện nghèo này hàng ngàn tỷ đồng để làm nhà cho dân, làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hỗ trợ người dân sản xuất… Nhưng có một sự bứt phá rất lớn, đó là ý thức người dân với việc vươn lên tự xóa đói nghèo. Được biết, năm 2013, huyện Mường Nhé có trên 740 hộ dân đã thoát được nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 54,09%; thu ngân sách vượt 10% so với chỉ tiêu…

Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Nhé được xây dựng khang trang.
Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Nhé được xây dựng khang trang.

Đến với bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn, gặp nông dân Sừng Co Giá, anh bảo: Cái bản này mấy năm trước hầu như nhà nào cũng đói nghèo, nhà tạm bợ. Nhưng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ đã làm được nhà ở vững chãi, đã có đủ gạo ăn quanh năm, lại nuôi thêm được nhiều gia súc, gia cầm.

Thanh niên trong bản bây giờ không chơi rông sau những kỳ thu hoạch mà ra thị trấn học thêm nghề mộc, nghề nông, học cách làm giàu... “Tôi cũng đã đến với những hộ có trang trại lớn ở trung tâm huyện và học được cách trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa của họ. 2 năm nay, tôi cũng vận dụng cách làm này để chăn nuôi gà, lợn và đã có được mấy chục con gà mái tốt, 2 con lợn nái và 8 con lợn thịt rồi” - anh Giá phấn khởi khoe.

Chúng tôi đến thăm trang trại rộng tới 4-5ha, trồng nhiều cây ăn quả, nuôi hàng chục con trâu, bò, lợn của nông dân giỏi Lò Văn Tưởng ở khe Huổi Sung, xã Mường Nhé (Mường Nhé). Ông Tưởng bảo: Mấy năm trước tôi còn là điển hình tiêu biểu về kinh tế trang trại ở đất này. Nhưng bây giờ nhiều người cũng làm và làm giỏi lắm, nhất là lớp trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, và Nhà nước cũng hỗ trợ nhiều nữa. Các anh cứ nhìn những núi đồi cây xanh phủ kín, những bản làng đã vắng bóng nhà tạm, tranh tre, những đồng cỏ có đàn trâu, bò đông tới cả trăm con, là hiểu Mường Nhé đang đổi thay từng ngày.

“Góp công, góp sức với quê hương”

Đấy là lời tâm sự của lão nông Lò Văn Khao - nông dân giỏi ở khe Nà Mớ, xã Mường Nhé. Ông vốn là một cựu thanh niên xung phong trong những năm cuối thập kỷ 70 vừa qua. Sau những năm tháng cống hiến sức trẻ bảo vệ biên giới, ông Khao trở về bám đất quê hương và làm giàu bằng nghề nông truyền thống.

“Ngày trước Mường Nhé không thuận lợi cái đường đi nên có làm ra nhiều thóc, ngô, gà, lợn cũng chỉ để giúp các hộ bớt khó khăn là chính chứ khó bán lắm và giá cũng rất rẻ. Nhưng bản thân tôi vẫn động viên vợ con “cứ làm đi, giúp ai được cái gì cũng quý. Hàng xóm đỡ khổ thì mình cũng vui mà lại có thêm những kinh nghiệm làm ăn mới để mọi người cũng học và làm theo. Nhờ quyết tâm xóa nghèo nên bây giờ tôi đã trở thành hộ giàu, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, lại có việc làm, vui lắm…”.


“Ở Mường Nhé, cán bộ bám dân để chỉ đạo phong trào, dân tin cán bộ nên đồng lòng đổi mới, vươn lên. Khi người dân đã đồng lòng theo Đảng thì Mường Nhé sẽ giàu mạnh hơn...”.

Ông Sùng Páo Ly - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Nhé

Nơi miền biên viễn này cũng đã xuất hiện những thanh niên làm kinh tế giỏi với sức vươn rất lớn, điển hình như chàng trai dân tộc Mông Sùng A Chỉ (sinh năm 1977) ở bản Nậm San, xã Mường Nhé. Anh bảo: Tôi chỉ là thế hệ học trò của ông Chá, ông Khao thôi.

Khi ông Khao làm kinh tế trang trại, ở Mường Nhé nhiều người cười bởi “ông ấy ăn chẳng hết, làm nhiều thì bán cho ai?”. Nhưng ông Khao bảo với dân bản: “Rồi Nhà nước sẽ làm đường tốt vào Mường Nhé, mua bán sẽ thuận lợi. Mình cứ làm ra nhiều nông sản, sẽ có người đến tận nơi mua, mà trước hết là mình không đói nghèo nữa.

Mỗi người phải đóng góp sức mình cùng Nhà nước xóa đói nghèo, xây dựng quê hương chứ”. Tôi thấy ông ấy nói đúng và được Huyện đoàn, Hội Nông dân ủng hộ, thế là làm theo. Tích tiểu thành đại, sau gần chục năm cũng có được đàn trâu, bò hơn 100 con như bây giờ”.

Năm 2014 này, huyện Mường Nhé sẽ phấn đấu đạt sản lượng lương thực trên 14.000 tấn, tăng 800 tấn so với năm 2013; đàn gia súc tăng 7,8%, giảm hơn 5% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2013, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới vững chắc. Toàn huyện đang triển khai thực hiện đề án sắp xếp ổn định dân cư, hỗ trợ sản xuất với số vốn dự toán ban đầu là 284 tỷ đồng…
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem