Nậm Giôn chuyển mình vươn lên với khát vọng thoát nghèo

Ngọc Mai Chủ nhật, ngày 19/05/2019 13:35 PM (GMT+7)
Nậm Giôn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La (Sơn La), 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với 66,42% dân số là hộ nghèo. Sản xuất chủ yếu canh tác nương rẫy trồng ngô, sắn trên các đồi dốc, hiệu quả thấp, khiến đời sống của người dân gặp khó khăn.
Bình luận 0

Nhiều khó khăn…

Nậm Giôn cách trung tâm huyện 70 km, cả xã có 17 bản, địa hình chia cắt chủ yếu là đồi núi dốc đứng, cả xã không có một chỗ nào bằng phẳng, cư dân sống rải rác gần các khe suối, bờ sông, bản làng treo leo bên những sườn dốc, giao thông đi lại rất khó khăn.

img

Số ít những thửa ruộng sản xuất được 2 vụ của người dân xã Nậm Giôn.

Người dân ở đây canh tác nương rẫy trồng cây ngô, cây sắn, đất dốc việc áp dụng khoa học kỹ thuật gần như không phát huy tác dụng, phân bón xuống chỉ sau trận mưa là trôi sạch. Trong sản xuất người dân vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là trọc lỗ bỏ hạt bằng dao cuốc, đất bạc màu năng suất thấp, sản phẩm làm ra không có đường vận chuyển, thậm chí không có ai đến mua…

Câu chuyện để kiếm được đồng tiền trang trải cuộc sống đối với người dân ở Nậm Giôn quả thực là điều khó khăn.

Bà Quàng Thị Biệt, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giúp người dân thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, tìm giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và tập quán canh tác của bà con.

Theo đó, xã tập trung vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nuôi phù hợp. Phối hợp với các ngành chuyên môn như: Khuyến nông, Thú y, Trung tâm đào tạo nghề… mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nâng cao trình độ sản xuất cho người dân.

img

Sản xuất của người dân ở Nậm Giôn sử dụng thủ công là chủ yếu, hầu như không có máy móc hỗ trợ.

Ngoài ra, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước xã vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương đưa các cây, con giống mới vào sản xuất, đặc biệt là thông qua Chương trình 135, 30a, Nông thôn mới, Chương trình sự nghiệm kinh tế…

Thông qua các chương trình này nhiều hộ dân được hỗ trợ có thêm điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt trong năm vừa qua, đã có hàng chục hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ cây, con giống, phân bón và dụng cụ sản xuất…

Ngoài ra, xã thường xuyên chỉ đạo cá hội, đoàn thể đứng ra làm cầu nối với ngân hàng cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Cử cán bộ thường xuyên xuống các bản bám nắm địa bàn, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

img

Mô hình nuôi cá lồng đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của xã.

Đổi mới tư duy

Theo bà Biệt, công tác xóa đói giảm nghèo ở Nậm Giôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một phần do trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, tập quán sản xuất lạc hậu, một phần do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cả xã có trên 1.200 ha đất sản xuất nhưng đều là đồi núi dốc.

Hơn nữa một bộ phận người nghèo vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo phải xuất phát từ chính người dân, phải đổi mới cách nghĩ, cách làm từ người dân, vận động họ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

img

Nhiều chương trình dự án của Nhà nước hỗ trợ bò giống sinh sản cho người dân.

Hiện nay, xã đang vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng thâm canh, tăng vụ, thay thế những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, toàn xã có 1.900 con bò, đàn dê 1.121 con, đàn lợn trên 3.600 con, gia cầm trên 21.000 con, trên 435 lồng cá, chăn nuôi đã mở đang từng bước mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã.

img

Mô hình chăn nuôi đại gia súc đang phát triển trở thành cánh cở thoát nghèo cho nhiều hộ nông dân.

Thời gian qua, việc phát huy các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát triển kinh tế, xã hội, công cuộc giảm nghèo ở Nậm Giôn đã bước đầu có chuyển biến tích cực. Trình độ nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, xuất hiện nhiều cách làm ăn mới, nhiều cây, con giống mới được đưa vào trồng thử nghiệm, bước đầu đầu đem lại thu nhập khá hơn cho người dân.

Đặc biệt là tận dụng mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, khuyến khích người dân nuôi cá lồng và nuôi bò ở bãi nhỏ ven sông, phát triển nhân rộng một số loại cây nông nghiệp truyền thống của địa phương như trồng ớt…

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nậm Giôn, tin rằng công tác xóa đói giảm nghèo sẽ ngày càng đạt được những kết quả tích cực, đời sống người dân sẽ ngày càng được nâng lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem