Ngày mới ở Lụng Cuông

kiều thiện Thứ bảy, ngày 02/05/2015 13:41 PM (GMT+7)
“Người Mông ở bản Lụng Cuông mấy chục năm qua tăm tối leo lét đèn dầu; đói nghèo, thất học cũng bởi không có điện. Nay điện lưới quốc gia đã về, sẽ có nhiều cái mới, cái hay về theo” - lão nông Lù A Dạng - già bản Lụng Cuông bảo vậy.
Bình luận 0

Điện về, người cũng… trẻ ra

Khi con gà trống chuồng bên phía hồi nhà cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới thì lão nông Lù A Dạng (ở bản Lụng Cuông, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, Sơn La) đã ngồi bên bếp lửa hồng từ lúc nào với cái siêu nước đang réo ù ù chuẩn bị sôi. Thấy tôi, lão bảo: Nhà báo cứ ngủ nữa đi, Lụng Cuông cao tới 1.600m nên sáng ra lạnh lắm, chưa ai đi làm đâu. Mình đun cái ấm nước sôi để lát nữa mọi người dậy có nước uống vừa hợp vệ sinh, vừa ấm bụng…

img
Từ khi có điện lưới quốc gia, vợ chồng ông Dạng thường xuyên xem ti vi “để nâng cao hiểu biết”.  Ảnh: Kiều Thiện
Lão với tay bật cái công tắc điện bên cột nhà gần bếp nghe đánh “toạch” một cái, khoe: “Công tắc loại tốt do dự án điện theo chính sách dân tộc của Nhà nước vừa mắc cho đấy. Dân mình nghèo nên trước đây cứ mua những cái rẻ; công tắc, ổ điện chỉ cắm, chỉ bật mấy ngày là bung, là hỏng, nhiễm điện ra ngoài vỏ; sờ vào điện giật run bắn cả người, nghĩ lại khiếp thật”.

 

So với những người Mông khác ở Lụng Cuông thì lão Dạng thuộc vào hạng “siêu quan trọng” bởi lão biết chữ, nói thạo tiếng phổ thông, được làm cán bộ lâu năm và từng giữ chức Chủ tịch UBND xã… Cái chuyện “công tắc điện, ổ cắm rởm” thực ra lão sưu tầm được trong những ngày đi công tác ở vùng thấp, chứ Lụng Cuông nửa thế kỷ nay đã có điện bao giờ đâu mà biết rởm hay thật.

Lật đật trở ra ngoài ngó dãy ổ gà mới nở đang trùm kín bởi mấy cái bao tải, xếp gọn ngoài chái nhà, trở vào lão Dạng lại khoe: “Mấy đàn gà đẹp thật. Gần 40 con, sống hết cả. Đúng là có điện có khác”. Tôi nhìn lão Dạng, ngạc nhiên hỏi lại: “Điện thì liên quan gì đến gà sống hay chết?”. Lão Dạng nhìn tôi với ánh mắt tỏ vẻ thông cảm: Chú không học khuyến nông, không nuôi gà mới nở bao giờ nên không biết. Ở vùng cao này mùa đông lạnh lắm. Vì thế, tuy là giống gà địa phương, chịu rét rất tốt nhưng trước đây cứ vào mùa đông là gà con gần như chết sạch. Ăn xong cái tết, nhà nào cũng gần như sạch bóng gà. Từ hôm có điện đến nay, tôi vận dụng vào ủ ấm cho gà nên tỷ lệ sống mới cao đến thế.

Rồi lão lại bật tivi, kéo ghế mời tôi ngồi xem cho “biết nhiều thông tin xã hội”. “Dân Lụng Cuông này hiểu biết hạn chế cũng bởi không có điện, không có tivi đấy. Bây giờ gần 40 hộ dân ở bản này nhà ai cũng sắm tivi cả rồi, nó như thầy giáo của mình, hướng dẫn cho mình nhiều lắm” – lão Dạng đon đả.

Thấy tôi cứ ca cẩm cái con đường về bản quá khốn khổ, lão Dạng an ủi: Chú đi vào mùa này, mới sửa đường xong, còn sướng chán. Khi Điện lực Mai Sơn kéo điện về đây đúng mùa mưa, khổ không biết thế nào mà tả. Ô tô không đi được, phải buộc tời kéo cáp, khiêng bộ từng cái cột điện, từng bao xi măng để đổ chân cột… Bùn đất lấm từ đầu đến chân; nghĩ lại vừa thương, vừa phục cán bộ. Khi ấy, đến cả người già như chúng tôi cũng muốn trẻ ra để giúp cán bộ kéo điện, khiêng cột, dọn đường dây. Tối đến dân bản và cán bộ lại quây quần bên nhau chuyện trò tới khuya. Hơn 60 tuổi rồi mà thấy nói đến kéo điện lưới quốc gia về bản là sướng như con trẻ.

“Cả bản, cả vùng đều sướng...

Để chứng minh cho “cuộc sống cả cái vùng này thay đổi nhiều lắm”, lão Dạng đưa tôi đi thăm một số hộ quanh bản Lụng Cuông. Đầu tiên là nhà ông Vàng A Vơ (60 tuổi). Ông Vơ vốn có tới 12 người con và bây giờ, trước câu hỏi của chúng tôi là “Ông đã có bao nhiêu cháu?”, ông Vơ thật thà: Phải để tôi tính lại cái đã thì mới chính xác được.

Quan điểm

Ông Vàng A Vơ
 Nếu có cái điện lưới sớm hơn nữa thì mình cũng không nghèo thế này đâu. Có điện sáng, đi nương về mình vẫn chăn được lợn, gà. Mình trồng nhiều cà phê và sẽ mua máy xát vỏ, bán cà phê nhân được giá hơn nhiều; mua máy xay xát, máy chế biến thức ăn gia súc... 
Tuy đông con, nhiều cháu nhưng nhà ông Vơ đến hôm nay cũng chưa có gì đáng giá lắm ngoài chiếc xe máy và cái tivi màu mới tậu được sau khi bản có điện. “Nếu có cái điện lưới sớm hơn nữa thì mình cũng không nghèo thế này đâu. Có điện sáng, đi nương về mình vẫn chăn được lợn, gà. Mình trồng nhiều cà phê và sẽ mua máy xát vỏ, bán cà phê nhân được giá hơn nhiều; mua máy xay xát, máy chế biến thức ăn gia súc… Cái máy làm giúp mình nhiều nên sẽ giàu nhanh thôi. Có điện rồi, cứ mở tivi ra mà học người ta làm ăn, sẽ biết nhiều cái hay, cái mới”.

 

Bên nương lúa mới gặt ở đầu bản Lụng Cuông, cặp vợ chồng trẻ Lù A Lo và Sồng Thị Mỷ đang loay hoay với những bao tải ý dĩ căng phồng. Lo bảo: “Trước đây chưa có điện, rừng lại bị cấm nên dân bản thu hoạch được cái gì trên nương là phải lo bán vội, bán vàng vì không thể sấy khô, cất giữ lâu ngày được. Bây giờ điện lưới có rồi, nông sản làm ra, cứ sấy khô cất trong nhà, nếu chưa được giá là chưa bán. Nhiều khi bán muộn nhưng được giá nên bằng làm thêm cả ha ngô, lúa đấy nhà báo ạ”.

Có điện về, bà con vui lắm. Anh Nguyễn Hữu Nghị - Giám đốc Chi nhánh Mai Sơn nhớ lại: Đúng là khi kéo điện về khu bản Lụng Cuông của xã Nà Ớt là rất vất vả. Sau này, khi chúng tôi chuyển đi kéo điện nơi khác, nhiều người dân cứ níu áo, cầm tay, bảo cái tết đầu tiên có điện này, cán bộ phải trở về ăn tết cùng dân bản đấy”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem