Nhiều cơ hội việc làm tại Hàn Quốc cho lao động Việt Nam

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 14/05/2018 18:40 PM (GMT+7)
Năm 2018 thêm nhiều lao động Việt Nam có thể sang Hàn Quốc làm việc qua các chương trình hợp tác lao động của các địa phương có mối quan hệ, kết nghĩa hai bên.
Bình luận 0

Vợ chồng cùng xuất cảnh

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, đơn vị này vừa tổ chức thí điểm thành công đợt đầu tiên đưa các đôi vợ chồng cùng xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

img

 Lao động Việt Nam đi làm nông nghiệp tại Hàn Quốc.  Ảnh: Minh Nguyệt

"Cũng như một số năm trước, chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc sẽ hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn miễn phí cho người nghèo, bao gồm cả tiền ăn, ở, đi lại. Với hộ cận nghèo, mức hỗ trợ bằng 70%. Những người cư trú vùng bãi ngang ven biển, vùng sâu, vùng xa sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí ăn ở, học hành và sinh hoạt”.

Ông Nguyễn Gia Liêm -
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
(Bộ LĐTBXH)

Ngày 7.5, 23 lao động tỉnh Đồng Tháp, trong đó đa phần là các cặp vợ chồng xuất cảnh sang Hàn Quốc để thu hoạch nông sản (hái ớt, cà chua) tại các nông trại.

Theo bà Tuyết, thời gian làm việc của các đôi vợ chồng tại Hàn là 3 tháng. Sau đó, tùy nhu cầu và đánh giá kỹ năng của lao động, các chủ nông trại sẽ gia hạn thêm thời gian làm việc. Ngoài mức lương khoảng 33 triệu  đồng/tháng/người, những lao động này còn được bao chỗ ở, tự lo ăn uống.

Bà Tuyết cho biết: “Trước khi xuất cảnh, các đôi vợ chồng trải qua khóa học tiếng Hàn và định hướng nghề nghiệp, thái độ ứng xử trong vòng một tháng. Trong đó thời gian học vào 2 ngày cuối tuần. Thời gian còn lại các chị em làm việc nhà, bán vé số để lo cho gia đình”.

Những lao động tham gia đợt xuất cảnh lần này có độ tuổi 30-55, được tuyển chọn từ các địa phương tại tỉnh Đồng Tháp. “Đây là chương trình ký kết tạo việc làm ngoài nước đối với các cặp vợ chồng chăm chỉ làm việc, có kỹ năng làm việc tốt do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tại một huyện của Hàn Quốc” - bà Tuyết chia sẻ.

Cũng theo thông tin từ Sở LĐTBXH tỉnh, nhiều năm nay Đồng Tháp liên tục là địa phương dẫn đầu các tỉnh, thành phía Nam về tỷ lệ lao động xuất ngoại làm việc. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 2.000 lao động đi làm việc ở các nước.

Chỉ là chương trình hợp tác địa phương

Ông Lê Thanh Hà - Trưởng phòng Hàn Quốc (Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐTBXH) đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc kết nối, tạo việc làm cho lao động. Ông cũng ghi nhận việc thời gian gần đây có thông tin lao động đi làm việc ngắn hạn tại Hàn Quốc. Đa số là lao động đi làm theo quan hệ hợp tác giữa các địa phương 2 nước với nhau trong các lĩnh vực đơn giản như trồng trọt, chăn nuôi.

“Thông thường người lao động không thông qua các doanh nghiệp mà thông qua trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc các địa phương. Đối tác Hàn Quốc cũng ưu tiên những người có gia đình, tiếp nhận cả vợ lẫn chồng” - ông Hà nói.

Theo ông Hà, đây cũng là chính sách mới mà phía Hàn Quốc vừa áp dụng thử nghiệm. Tuy nhiên, lao động đi theo kênh này có thể sẽ phải đối diện với một số rủi ro như chế độ phúc lợi, bảo hiểm không được đảm bảo. Do đi làm trong thời gian ngắn chỉ 3 tháng, nếu không được đánh giá tuyển chọn, lao động sẽ phải về nước. Điều này gây tốn kém cho lao động trong việc chi tiền xuất cảnh.

“Về vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có báo cáo với Bộ LĐTBXH để báo cáo Chính phủ. Tháng 2, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết cho phép thí điểm đưa người lao động đi làm dựa trên quan hệ hợp tác giữa các địa phương” - ông Hà cho biết thêm.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, số lượng địa phương có nhu cầu hợp tác cung ứng lao động với Hàn Quốc ngày càng tăng. Đây cũng là hướng di cư mới của lao động, chính vì vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục theo dõi, xin ý kiến ban ngành có liên quan để hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người lao động và cả quyền lợi, nghĩa vụ của địa phương.   

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, ngoài chương trình hợp tác lao động của các địa phương, lao động mong muốn đi làm việc Hàn Quốc vẫn có thể tìm hiểu đăng ký thi tiếng Hàn để đi làm việc theo Chương trình Hỗ trợ cấp phép việc làm giá rẻ giữa Việt Nam - Hàn Quốc (EPS) đã được thực hiện gần 10 năm qua.

Bắt đầu từ ngày 10-13.5, các  địa phương sẽ tiếp nhận đơn dự thi tiếng Hàn của lao động. Sang tháng 6 và tháng 8, địa phương sẽ tổ chức thi cho lao động có nhu cầu đi làm lần lượt ở ngành sản xuất chế tạo và ngành ngư nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem