Quế An khởi sắc bằng các mô hình kinh tế

Đại Nghĩa Thứ tư, ngày 27/07/2016 06:55 AM (GMT+7)
Từ một xã khó khăn nhất nhì của huyện Quế Sơn, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Quế An của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã có những đổi thay rõ rệt.
Bình luận 0

Làng xóm khang trang

Con đường dẫn chúng tôi đi từ thị trấn Đông Phú lên xã Quế An không còn ổ gà, ổ voi như trước đây nữa, thay vào đó là tuyến đường trải nhựa bằng phẳng, nhà cửa hai bên đường được chỉnh trang và xây dựng mới khang trang, sạch đẹp. “Quế An đã thật sự khởi sắc sau hơn 5 năm xây dựng NTM và cũng nhờ chương trình này mà địa phương mới có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đầu tư nhiều hơn cho phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân” - ông Lương Văn Phước – Chủ tịch UBND xã Quế An phấn khởi nói.

img

Nhiều hộ gia đình ở xã Quế An có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Đ.N

Quế An có xuất phát điểm khá thấp nên cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trong khi đó nguồn vốn đầu tư lại quá lớn nên địa phương không đủ lực để thực hiện. Bên cạnh đó, địa bàn xã cách trở, các vùng sản xuất lúa nằm rải rác nên việc đầu tư kênh mương thủy lợi để phục vụ cho sản xuất sẽ rất khó khăn nếu không có sự quan tâm, đầu tư từ cấp trên”.

Ông Lương Văn Phước

Theo ông Phước, Quế An là xã còn nghèo, song địa phương xác định Chương trình xây dựng NTM là một trong những giải pháp quan trọng nhất để làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân. Vì thế trong những năm qua, công tác tổ chức, tuyên truyền vận động đến từng khu dân cư, các hội, đoàn thể, trường học… được Ban chỉ đạo xã thực hiện quyết liệt.

Ngoài ra, địa phương cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo xã phụ trách địa bàn các thôn, các hội - đoàn thể đảm nhận một phần việc xây dựng NTM. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và sự đồng thuận cao đó, Chương trình xây dựng NTM ở Quế An đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, Quế An đã hoàn thành  10/19 tiêu chí về NTM; hệ thống cơ sở hạ tầng từ xã đến thôn đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Đặc biệt, các trường học, trạm y tế, lưới điện nông thôn… đều được đầu tư kiên cố và khang trang. Các tuyến đường giao thông liên tục được đầu tư mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi và vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng. Theo đó, toàn xã đã bê tông hóa được 8,5km đường giao thông trục xã, liên xã; cứng hóa  5,47km đường trục thôn xóm, các tuyến đường ngõ xóm cũng được bê tông sạch sẽ, không còn cảnh lầy lội như trước đây nữa...

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông phẳng lỳ, ông Nguyễn Ngọc Hải – Trưởng thôn Châu Sơn 2 (Quế An) cho biết, khi có chủ trương làm đường giao thông, người dân rất hăng hái tham gia hiến đất, cây cối để có mặt bằng làm đường, nhờ đó đường giao thông nông thôn trên địa bàn thôn đã được bê tông hóa gần 90%, người dân đi lại thuận lợi.

Tăng thu nhập

Ông Phước cho biết thêm, ngoài việc tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thời gian qua xã Quế An luôn xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố cốt lõi của xây dựng NTM, là cơ sở để tạo tiền đề tiến tới thực hiện tốt các tiêu chí NTM khác. Vì thế, trên cơ sở đề án được phê duyệt, hằng năm địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tạo sự phát triển mạnh mẽ cho Quế An.

“Đến nay xã đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng như vùng trồng lúa nước, vùng ươm và trồng keo, trồng lạc, trồng sắn; vùng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vùng chăn nuôi bò sinh sản..., đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Đặc biệt, mấy năm gần đây, mô hình kinh tế vườn ở xã Quế An rất phát triển với hàng trăm trang trại nuôi gà, vịt, nuôi cá nước ngọt…, giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững” – ông Phước nói.

Chia sẻ về mục tiêu phát triển trong những năm tới, ông Lương Văn Phước cho biết, hiện nay dù Quế An đã đạt thu nhập bình quân đầu người gần 17 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm đáng kể, song địa phương vẫn còn là xã nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, địa phương sẽ tiếp tục dồn sức và huy động các nguồn lực để tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, đặc biệt là chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và khuyến khích bà con nhân dân xây dựng thêm các mô hình kinh tế hiệu quả để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem