Thứ được coi như "báu vật" treo trong nhà người Dao Lào Cai

Thứ bảy, ngày 29/02/2020 13:54 PM (GMT+7)
Hiện nay, người Dao họ ở xã Sơn Hà (huyện Bảo Thắng) và xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên) của tỉnh Lào Cai vẫn còn lưu giữ, bảo tồn một loại nhạc cụ cổ độc đáo và quan trọng trong đời sống tâm linh, đó là chiếc trống đất. Nghe tên trống đã thấy kỳ lạ, vậy chiếc trống đất hình dáng ra sao và có gì độc đáo? Những câu hỏi ấy cứ thôi thúc chúng tôi đi tìm “báu vật” này.
Bình luận 0

Huyền thoại trống đất người Dao họ

Chúng tôi đến xã Sơn Hà (Bảo Thắng) gặp ông Bàn Văn Sang, sinh năm 1950, nguyên Đội trưởng Đội múa trống đất thôn Khe Mụ. Là người Dao họ, cũng là Nghệ nhân Ưu tú văn nghệ dân gian Việt Nam, ông Sang rất am hiểu bản sắc dân tộc, đặc biệt là chiếc trống đất. Khi chúng tôi đến, ông Sang đang tất bật chuẩn bị các nhạc cụ để phục vụ nghi lễ cấp sắc trong thôn.

img

Những chiếc trống đất trăm tuổi hiện nay còn rất ít.

Chỉ vào loại nhạc cụ có hình dáng kỳ lạ, nghệ nhân Bàn Văn Sang tự hào giới thiệu đây chính là chiếc trống đất có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như cuộc sống hằng ngày của người Dao họ. Từ nhỏ tôi đã nghe các cụ kể lại huyền thoại cổ xưa liên quan tới nguồn gốc chiếc trống đất.

Đó là thời khai thiên lập địa, dưới trần gian hạn hán 3 năm liên tục khiến cây cối và mọi sinh vật không sống nổi, có ông đại thánh rất giỏi đã làm máng nước lấy nước trong khe núi để cứu muôn loài.

Thần sấm ma thiên lôi trên trời thấy thế rất tức giận, nhiều lần xuống đánh đại thánh nhưng bị đại thánh bắt nhốt vào lồng sắt. Một hôm đại thánh đi vắng, con trai của ông và cô bạn thân đã lấy cơm cho ma thiên lôi ăn.

Ma thiên lôi tìm cách thoát ra và cho hai đứa trẻ một hạt bí để trồng và bảo khi nào trời âm u, tối sầm thì đục lỗ chui vào quả bí sẽ thoát nạn. Sau đó trời chuyển mưa to suốt 7 ngày 7 đêm, làm hạ giới ngập lụt, muôn loài chết hết, chỉ có đôi trai gái sống sót.

Để loài người không bị tuyệt diệt, đôi trai gái được thần linh cho phép lấy nhau và sinh ra một quả bí đao, từ quả bí đao băm ra trăm mảnh hình thành nên các dân tộc ngày nay.

Trong đó, ở miền núi có ông Sáng Cô là người tài giỏi làm ra lửa, sáng tạo ra mọi vật cho dân làng. Vì người Dao họ không có gì để vui chơi trong các dịp lễ hội nên ông Sáng Cô đã làm ra chiếc trống đất và dạy mọi người múa trống đất trong các nghi lễ quan trọng cho bản làng thêm vui. Từ đó đến nay, người Dao họ vẫn coi trống đất là vật linh thiêng trong đời sống văn hóa, tâm linh của mình.

Cấu tạo đặc biệt của trống đất

Trong Đội múa trống đất thôn Khe Mụ, ông Lý Văn Cùng, Đội trưởng và chuyên đánh trống, cũng là người am hiểu về chiếc trống đất cho biết: Chiếc trống có cấu tạo cầu kỳ, chia thành 2 đầu rõ ràng: Một đầu có hình phễu, một đầu hình cầu.

img

Bộ nhạc cụ được dùng để biểu diễn cùng trống đất.

Cả 2 đầu đều có miệng và được bịt bằng các loại da khác nhau như da dê, kỳ đà, hoẵng, trâu hoặc da bò… 2 miếng da bịt 2 đầu trống được gắn chặt với nhau bằng hệ thống dây nối để điều chỉnh độ căng của mặt da nhằm đảm bảo âm thanh chuẩn nhất. Trống nguyên bản truyền thống có thân được làm bằng đất nung, bên trong có 2 đồng xu bằng đồng được thả vào từ khi làm trống để tạo âm thanh thêm hay.

Về những chiếc dây nối 2 mặt da trống đất với nhau, ông Cùng cho biết thêm: Ngày trước, các cụ làm bằng dây mây, nếu dây chùng ảnh hưởng đến thanh âm của trống nên lúc nào cũng phải giữ độ căng vừa phải để tạo ra những âm thanh chuẩn nhất.

Có thể điều chỉnh độ chặt/lỏng của dây nối 2 miếng da của mặt trống bằng hệ thống móc. Có tất cả 16 móc ở cả 2 đầu trống, được làm bằng đồng để không bị gỉ. Mỗi chiếc trống người Dao họ lưu giữ được thường có tuổi đời vài trăm năm. Họ lưu giữ cẩn thận và trang trọng ở dưới nơi thờ cúng hoặc trong tủ đặt giữa nhà…

Vì được làm bằng đất nung, lại có nhiều chi tiết đi kèm nên chiếc trống khá nặng. Mỗi chiếc trống tùy độ dày, mỏng, to, nhỏ thường nặng từ 10 đến 13 kg. Khi sử dụng, trống được đặt nằm ngang hoặc người đánh trống sẽ đeo ngang bụng. Trống được tạo âm thanh cùng lúc ở cả 2 đầu.

Đi tìm trống đất trăm năm tuổi

Vậy những chiếc trống đất cổ hiện nay ra sao? Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến thôn Hồng Cam 3, xã Cam Cọn (Bảo Yên) gặp ông Bàn Văn Sỉ, sinh năm 1952, người Dao họ để tìm hiểu thêm về chiếc trống đất mà ông đang lưu giữ tại gia đình.

Chỉ vào chiếc trống đất được treo trang trọng ở phía trên bàn thờ của gia đình, ông Sỉ chia sẻ: Nhà tôi có 3 chiếc trống đất cổ, ông nội tôi bảo từ thời ông đã thấy có trong gia đình. Khi ông nội mất trao lại cho bố, sau khi bố mất đã trao lại cho các anh em trong nhà mỗi người một cái.

Nhưng hiện tại chỉ có anh trai tôi và tôi còn lưu giữ được, đồng thời cũng biết đánh trống để thực hiện các nghi lễ khi làm thầy cúng trong các lễ nhập tịch cho con cháu của người dân trong vùng. Chiếc trống đất cổ này có khoảng 200 năm rồi, nhiều người hỏi mua, trả giá rất cao nhưng tôi không bán vì đó là “báu vật” của dòng họ.

Cũng theo ông Sỉ, hiện nay trên địa bàn xã Sơn Hà (Bảo Thắng), xã Cam Cọn (Bảo Yên) có nhiều người Dao họ sinh sống nhưng những chiếc trống đất cổ hàng trăm năm tuổi như của ông thì còn rất ít.

Bây giờ nhiều gia đình sử dụng trống đất làm bằng sành hoặc bằng đồng do một số làng nghề dưới xuôi lấy mẫu về sản xuất ra mang lên bán lại. Trống bằng đồng thì nhẹ hơn trống bằng đất nung, độ bền cũng cao hơn, có thể lưu giữ được lâu hơn, nhưng trống đất truyền thống vẫn là chiếc trống tạo nên âm thanh chuẩn nhất.

Tuy nhiên, muốn làm được phần nhạc cho các bài múa trống đất còn cần một số nhạc cụ đi cùng tạo thành bộ nhạc cụ phù hợp.

Hoàng Thương-Tuấn Ngọc (Báo Lào Cai)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem