Thúc đẩy liên kết để vùng ĐBSCL phát triển

ĐỨC KHÁNH – XUÂN QUANG (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/01/2015 13:00 PM (GMT+7)
Nhân dịp đầu năm mới 2015, phóng viên NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Phong Quang (ảnh) - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về những thành tựu kinh tế -xã hội  mà vùng này đạt được trong năm qua, cũng như những cơ hội, vận hội mới...
Bình luận 0

Một năm đã đi qua, ông có thể đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được của vùng Tây Nam Bộ? Đâu là thành tựu, điểm nhấn nổi bật nhất của vùng trong năm 2014?

- Trong những năm qua, tình hình kinh tế tuy có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ban, ngành T.Ư và sự nỗ lực phấn đấu của các tỉnh, thành, nên kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL có bước phát triển đáng kể.

img

Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ước đạt 8,98%; sản lượng lúa ước đạt trên 25,4 triệu tấn (tăng 832.416 tấn so với năm 2013); sản lượng cá tra ước đạt trên 800.000 tấn (giảm 8,7% so với 2013), tôm ước đạt gần 448,9 ngàn tấn. Sản xuất công nghiệp tăng 11,9% so với năm 2013; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 15,2 tỷ USD (tăng 16,9% so với cùng kỳ 2013), trong đó xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD và nhập khẩu là 4,9 tỷ USD).

Năm qua; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 232,35 ngàn tỷ đồng; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 561.000 tỷ đồng; thu ngân sách ước đạt 37,9 ngàn tỷ đồng; chi ngân sách 68,75 ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 387,2 ngàn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,6%.


img
Lúa gạo là 1 trong 3 mặt hàng chủ lực của vùng ĐBSCL.         ĐỨC KHÁNH
Trong năm qua, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ động thực hiện đạt được một số kết quả đáng phấn khởi: Chủ động nắm tình hình, góp ý và đề xuất T.Ư giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc nổi lên trên địa bàn, nhất là về “Đề án liên kết vùng trên lĩnh vực nông nghiệp” (với 3 sản phẩm chủ lực: Lúa gạo, thủy sản, trái cây) và vấn đề người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; phối hợp các viện, trường đào tạo nguồn nhân lực cho vùng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, kiến trúc, y khoa… Phối hợp tổ chức thành công MDEC- Sóc Trăng 2014; Phối hợp Bộ KHĐT, tỉnh Kiên Giang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc; đề án xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang…

 

Đảm bảo an sinh xã hội cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ hết sức quan tâm. Ông có thể cho biết những kết quả đáng chú ý về thực hiện nhiệm vụ này?

- Trong năm 2014, chúng tôi phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan của Bộ Quốc phòng, kiểm ngư tổ chức Chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương”, cùng các địa phương trong vùng vận động hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ, người dân có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới, hải đảo. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành có liên quan vận động an sinh xã hội cho vùng thông qua MDEC- Sóc Trăng 2014, trong đó tổ chức khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Là một vùng đất đầy tiềm năng, tuy nhiên các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn “ngại” đầu tư nhiều vào vùng ĐBSCL. Nhìn nhận khách quan, đâu là “rào cản” thưa ông?

- Hàng năm Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) theo Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tập hợp các sáng kiến, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển cho vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đồng thời, tăng cường tính liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP.HCM, các bộ, ngành T.Ư, các vùng, miền trong cả nước, các tổ chức quốc tế, nhằm để thu hút, kêu gọi xúc tiến đầu tư vào vùng ĐBSCL, phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng này.

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng ĐBSCL phải nói đến đó là vấn đề về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chưa mang lại giá trị gia tăng cao và tạo được thương hiệu mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế; khả năng thu hồi vốn và sinh lợi thấp. Công tác dự báo thị trường và quy hoạch còn hạn chế dẫn đến giá cả và tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp khó khăn. Lực lượng lao động nhiều, nhưng thiếu đội ngũ có tay nghề cao và các chuyên gia giỏi đầu ngành; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế; sự hợp tác giữa ĐBSCL và các nhà đầu tư thời gian qua chưa nhiều và chưa đi vào chiều sâu.

Để nền kinh tế vùng ngày càng phát triển, vươn xa về mọi mặt thì lãnh đạo các địa phương cần phải chung tay làm những gì?

- Theo tôi các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch liên vùng, liên địa phương, tránh tư duy cục bộ, lợi ích địa phương. Thứ hai là thay đổi tư duy trong quy hoạch, rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực cho phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mình. Thứ ba, cùng chia sẻ thông tin lợi ích để liên kết phát triển; cuối cùng phải biến quy hoạch bằng kế hoạch, quyết tâm chính trị để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Để vùng đất Chín Rồng ngày càng phát triển bền vững, bước sang năm mới, với vai trò Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông có những kiến nghị, đề xuất gì đến Chính phủ?

- Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, định hướng để khắc phục yếu kém của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như của ĐBSCL nói riêng để phát triển nhanh và bền vững. Từ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát huy vai trò đầu mối tổ chức liên kết vùng, cùng với các tỉnh, thành phố trong vùng hợp tác thân thiện, cởi mở, tôn trọng lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Thời gian tới Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Sớm ban hành quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2014-2019; đề án liên kết vùng với 3 sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, cá tra-tôm và trái cây; cùng với tỉnh Kiên Giang, Tổ công tác Phú Quốc trình Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét để trình Bộ Chính trị đề án Đặc khu Kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; sớm triển khai xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ và các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thủy lợi trong vùng.

Chúng tôi cũng kiến nghị ưu tiên vốn xây dựng các công trình đê biển, kè sông, chống ngập úng trong vung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường các nguồn lực cho an sinh xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân; tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách về nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

ĐBSCL có diện tích khoảng 40.000km2; dân số khoảng 17,4 triệu người. Hàng năm, ĐBSCL sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng  góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản của cả nước. ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản của cả nước, mà còn được xác định là “Vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu” theo Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 9.10.2009 của Thủ tướng Chính phủ; là “Vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch và là vùng sản xuất lương thực trọng điểm quốc gia” theo Kết luận số 28-KL/T.Ư ngày 14.8.2012 của Bộ Chính trị.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem