Tìm hướng đi mới cho làng nghề tương truyền thống

Văn Mưu Thứ tư, ngày 20/11/2019 10:22 AM (GMT+7)
Thời gian qua, sự có mặt của các tổ hợp tác, hợp tác xã làng nghề trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã góp phần định hướng tổ chức, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho nhiều làng nghề. Tổ hợp tác làng nghề tương truyền thống xã Úc Kỳ là một điển hình.
Bình luận 0

Đến thăm làng nghề tương truyền thống Úc Kỳ, ngay từ đầu ngõ, chúng tôi dễ dàng nhận ra hương vị đặc trưng của tương nếp. Cẩn thận rót tương vào từng chai nhỏ, ông Dương Văn Tuyến ở xóm Ngoài, phấn khởi chia sẻ: “Tôi đang đóng 250 lít tương để kịp gửi cho một tiểu thương ở Hà Nội. Bây giờ, tương của làng nghề đã được nhiều người biết đến nên bán chạy lắm, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài việc mỗi gia đình tự chủ động tiêu thụ thì còn có sự hỗ trợ của tổ hợp tác làng nghề, chuyên cung cấp nếp và thu mua tương cho bà con”.

img

  Cơ sở sản xuất tương của hộ ông Dương Văn Tuyến ở xóm Ngoài 2, xã Úc Kỳ. Ảnh: V.M

Từ năm 2012, tổ hợp tác của làng nghề tương truyền thống Úc Kỳ được thành lập gồm 3 thành viên (tổ trưởng, kế toán, thủ quỹ). Trung bình mỗi năm, tổ hợp tác cung ứng khoảng từ 12 - 14 tấn nếp thầu dầu và thu mua khoảng từ 10.000 - 12.000 lít tương của các hộ trong làng nghề, tập trung ở các xóm: Múc, Ngoài 1, Ngoài 2, Làng, Tân Lập…

Bà Dương Thị Thành - Tổ trưởng, cho biết: “Thu nhập của nghề làm tương không cao như làm tại các công ty nhưng cũng đủ sống, đây là nghề của cha ông để lại. Tuy nhiên, nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì người dân cũng không dám làm lớn. Trước thực tế đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như để gỡ khó cho làng nghề, tổ hợp tác được thành lập. Công việc của chúng tôi là lựa chọn nếp ngon để làm tương và thu gom, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nguyên tắc của tổ đó là chỉ thu gom sản phẩm tương đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ uy tín cho làng nghề”.

Trung bình mỗi năm, tổ hợp tác sản xuất được từ 6 - 7 tạ giống, đồng thời, thu mua lại thóc rồi xát lấy gạo bán cho bà con với giá 25.000 đồng/kg. Cao điểm là tháng giáp Tết Nguyên đán, tổ hợp tác đã cung cấp gần 20 tấn gạo phục vụ làm tương và bánh.

Anh Dương Văn Thường - hộ có kinh nghiệm nhiều năm làm tương ở Úc Kỳ, cho biết: “Trước đây, tôi chỉ làm 1 - 2 chum tương, thi thoảng bán được vài lít. Từ khi có Tổ hợp tác thu mua, gia đình tôi luôn làm duy trì từ 100 - 120 chum mới đủ cung cấp cho thị trường. Với giá bán dao động 20.000 - 25.000 đồng/lít (tùy loại nếp), trung bình mỗi tháng, gia đình tôi bán được khoảng 4.000 lít tương, trừ mọi chi phí tôi thu về 10 - 12 triệu đồng/tháng”.

Ông Dương Văn Giảng - Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Nghề làm tương có từ lâu đời trên địa bàn xã Úc Kỳ. Năm 2015, làng nghề tương được công nhận là làng nghề truyền thống. Để duy trì hiệu quả nghề này, các hộ dân đã liên kết thành lập Tổ hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nghề làm tương đã tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem