Tuyên Quang: Huy động 12.782 tỷ đồng, không xã nào bị nợ đọng

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 12/12/2018 15:00 PM (GMT+7)
Đường làng, ngõ xóm phong quang, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao... Đó là cảm nhận của người dân các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, khi họ được hưởng thành quả mà chính mình đã đóng góp xây dựng.
Bình luận 0

Đề cao vai trò chủ thể

Năm 2017, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình. Đây cũng là thôn được lựa chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của xã Khuôn Hà.

Bên cạnh những việc như chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, anh Quan Văn Toán - 1 trong 4 hộ tham gia làm du lịch homestay ở thôn bảo, mặc dù mỗi tháng gia đình chỉ tiếp đón 1 - 2 đoàn khách, nhưng với anh đây là tín hiệu vui, là thành quả mà chính quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đem lại cho anh cũng như các hộ làm du lịch homestay trên địa bàn.

img

Nhân dân thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) làm đường bêtông nông thôn. Ảnh: Đào Thanh

Đến nay Tuyên Quang có 32 sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Nhờ thế mà bà con trên địa bàn đã có thu nhập tăng, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Khuôn Hà chỉ đạt 2 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 56%, thu nhập bình quân đạt 6,1 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây xã Khuôn Hà đã có bước chuyển mình đáng nể.

Ông Chẩu Văn Toan - Chủ tịch UBND xã cho biết, trong quá trình xây dựng, cách làm của xã là phát huy sự nỗ lực, đoàn kết của người dân. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến hơn 30.000m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động và các vật liệu xây dựng như cát, sỏi... để mở rộng, nâng cấp nắn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng như đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trường học, giao thông nội đồng.

Hiện, Khuôn Hà đã hoàn thành hơn 6km kênh mương bằng cấu kiện bêtông đúc sẵn, bêtông hóa hơn 3,5km đường nội đồng, 12/12 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 27 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn trên 12%...

Nâng cao thu nhập cho người dân

Còn tại xã Đại Phú (huyện Sơn Dương), có đến 70% trong tổng số trên 2.000 hộ dân thu nhập phụ thuộc vào chăn nuôi lợn. Cuộc khủng hoảng giá lợn từ cuối năm 2016 ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây. Trước vấn đề này, Đảng ủy, UBND xã đã có cách làm sáng tạo nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập, trong đó trọng tâm là nhân rộng các điển hình, vận động người dân đi làm việc tại các khu công nghiệp. Toàn xã có gần 2.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Trang trại chăn nuôi gà, vịt lấy trứng của cặp vợ chồng trẻ Đỗ Văn Đại, Nguyễn Thị Bích, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú từ 2 năm nay đã trở thành điểm tham quan, học tập của bà con trong thôn, trong xã. Chị Bích cho biết, khi cả xã bắt tay vào chăn nuôi lợn thì vợ chồng chị đầu tư chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, một phần để khẳng định sức trẻ của mình, một phần để đảm bảo về mặt đầu ra. Hiện trang trại của anh chị nuôi gần 3.000 con gà, 2.000 con vịt đẻ trứng, mỗi ngày thu về 2.500 quả trứng.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang, điểm nổi bật trong xây dựng NTM những năm qua ở Tuyên Quang là bêtông hóa đường giao thông và kiên cố hóa hệ thống kênh mương gắn với giao thông nội đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn cho hay, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong giai đoạn 2011-2018, tỉnh đã huy động khoảng 12.782 tỷ đồng. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã. Không có xã dưới 5 tiêu chí và không có địa phương nào nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem