Tuyên Quang: Lao động khó tìm được việc làm sau học nghề

Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 31/01/2019 18:30 PM (GMT+7)
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả thuận lợi trong công tác dạy nghề, nhưng thời gian qua hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn tại Tuyên Quang vẫn chưa phát huy hết hiệu quả vì thiếu thốn cơ sở hạ tầng, đặc biệt là “khó” trong việc giải quyết đầu ra.
Bình luận 0

Đào tạo nghề 4.000 lao động/năm

Theo Sở LĐTBXH tỉnh tuyên Quang, hiện nay các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố đã mở hơn 300 lớp dạy nghề cho gần 4.000 lao động mỗi năm.

Theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đối tượng chính của đề án là những người trong độ tuổi lao động và tập trung chủ yếu vào đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn khi người lao động vẫn giữ những tập tục canh tác lạc hậu, ngại thay đổi, ngại tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến.

img

Dạy nghề cho lao động nông thôn tại Tuyên Quang. Ảnh: T.A

Bà Lý Thị Hải Hiền - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH cho biết: “Có tới hơn 70% người sau học có việc làm. Đa phần tự tạo việc làm, số ít vào doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng có trên 20 mô hình lao động nông thôn sau khi học nghề tạo được việc làm, trong đó có 12 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 8 mô hình lĩnh vực phi nông nghiệp, các mô hình đều cho thu nhập với mức trung bình từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng” .

Hiện nay, có nhiều nghề cho bà con nông dân lựa chọn là: Nghề mộc dân dụng, nghề may, nghề kỹ thuật trồng cây nông nghiệp. Các học viên sau khi học nghề phần lớn đã áp dụng được vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, số lao động tìm được công việc mới cho thu nhập kinh tế cao hơn hẳn là rất ít.

Đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn

Ngoài những khó khăn về cơ sở hạ tầng, tâm lý người học… thì việc giải quyết việc làm được cho là khó khăn lớn nhất.

Ông Hoàng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hàm Yên cho biết, các đối tượng học nghề theo đề án 1956 chủ yếu là lao động nông thôn, thuộc diện cận nghèo, người nghèo, người đồng bào dân tộc, người khuyết tật… thường là những người giữ tập tục canh tác lạc hậu, ngại đi học, sợ ứng dụng khoa học vào sản xuất.

“Chính vì sự ngại thay đổi của người lao động nên việc đào tạo nghề trên địa bàn huyện chưa thực sự hiệu quả. Người lao động vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ý thức kỷ luật chưa cao nên dù đã đăng ký học, nhưng không thực hiện đúng những quy định của lớp học; một số học viên trong quá trình học vẫn tranh thủ làm việc khác, dẫn đến tình trạng học cho có, không áp dụng được vào thực tế” – ông Đức Anh nói.

Đồng tình với những ý kiến trên ông Hoàng Văn Thao - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình còn cho rằng, ngoài khó khăn về phía người học thì vấn đề khó khăn nhất lúc này chính là tạo việc làm cho lao động sau học nghề. Với lớp đào tạo nghề sơ cấp thời gian ngắn, nhưng với thời gian này nếu học các nghề phi nông nghiệp như may mặc, sửa chữa máy móc… thì không thể đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp.

Nhận thấy những khó khăn này,  mới đây Sở LĐTBXH tỉnh đã chủ trì liên kết với các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho học viên sau khi học nghề. Mục tiêu phải tạo đầu ra cho lao động để họ có việc làm thu nhập cao hơn trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem