Vốn ưu đãi “nuôi” khát vọng khởi nghiệp của người dân Gio Linh

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 17/07/2019 18:46 PM (GMT+7)
Nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Gio Linh (Quảng Trị), nhiều thanh niên địa phương này đã thực hiện các dự án khởi nghiệp thành công, bước đầu có thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Cử nhân luật thành công với… gà

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi cùng anh Nguyễn Hồng Quân - Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Gio Linh đến thăm trang trại nuôi gà của chàng trai 8X Trần Tấn Phát, thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang.

Giữa trảng cát nóng bỏng, trang trại của anh Phát được xây dựng kiên cố có 7.500 con gà thịt sắp xuất bán. Anh Phát cho biết, gà thịt đang có giá 60.000 đồng/kg. Mỗi năm anh Phát nuôi 3 lứa gà thịt, sau khi xuất bán, trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 250 triệu đồng. Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học nên sau khi xuất bán, anh Phát lấy phân gà bán cho người dân địa phương dùng để trồng trọt, mang lại một khoản thu nhập khá.

img

Mô hình nuôi thỏ của thanh niên thuộc tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải cho thu nhập cao và ổn định.  Ảnh N.V

Dẫn chúng tôi dạo quanh khu trang trại rộng 1ha, anh Phát tâm sự, sau khi tốt nghiệp cử nhân luật – Đại học Huế, anh làm nhiều nghề nhưng thu nhập ba cọc ba đồng, ở nhà trọ quanh năm suốt tháng. Sau nhiều đêm suy đi tính lại, cân nhắc đủ điều, năm 2014, anh Phát trở về quê nhà và vay 200 triệu đồng đầu tư nuôi gà. Để tiết kiệm chi phí, anh tự xây dựng chuồng trại, làm đường…

Thông qua Huyện đoàn Gio Linh, anh Phát còn được Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh cho vay thêm 50 triệu đồng vốn ưu đãi của để tăng quy mô đàn gà. Nhờ có kỹ thuật nuôi gà, chính quyền địa phương ủng hộ, lại liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho đàn gà thịt nên anh Phát có thu nhập ổn định.

Những ngày này, anh Phát còn vay vốn ngân hàng xây dựng hệ thống chuồng lạnh để nuôi thêm 6.000 con gà mỗi lứa. Theo anh Phát, nuôi gà ở chuồng lạnh, có hệ thống làm mát giúp gà ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh hơn… Khi hệ thống chuồng lạnh đi vào hoạt động, mỗi lứa anh Phát nuôi từ 13.000 – 14.000 con gà thịt tại 2 khu chuồng, thu nhập dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại.

Ở Gio Linh có nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đó là động lực lớn, lan toả để có thêm nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

 ông Dương Đức Hạnh

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Trần Tấn Phát còn tạo điều kiện, giúp đỡ các thanh niên có nhu cầu đến học hỏi kinh nghiệm nuôi gà để tạo chuỗi liên kết, cùng nhau làm giàu. Nhờ những thành tích đáng trân trọng ấy, anh Phát đang được Huyện đoàn Gio Linh đề xuất nhận giải thưởng Lương Đình Của năm 2019.

Nông dân liên kết làm giàu

Ở huyện Gio Linh, tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải của nhóm 6 thanh niên ở xã Linh Hải được đánh giá cao về tính hiệu quả. Anh Lê Quang Thọ (SN 1993) - tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải cho biết, người dân địa phương đã nuôi thỏ từ nhiều năm nay nhưng không mấy hiệu quả.

Mãi đến năm 2015, được Huyện đoàn Gio Linh tư vấn, giúp đỡ và UBND huyện hỗ trợ nên tổ hợp tác được thành lập với 6 thanh niên. Tổ hợp tác nuôi thường xuyên 2.500 – 3.000 con thỏ, cho thu nhập ổn định.

Riêng anh Lê Quang Thọ, sau khi tổ hợp tác được thành lập đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị và Ngân hàng CSXH huyện Gio Linh, mỗi nơi 50 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại, nuôi 50 con thỏ sinh sản và chăn nuôi thêm gia cầm, trồng thêm cây ăn quả, hoa màu. Mỗi tháng thỏ cái đẻ 7-9 con/lứa. Như vậy, mỗi lứa anh Thọ có khoảng 350 con thỏ con để nuôi thành thỏ thịt.

 Tại địa phương, nguồn thức ăn cho thỏ từ cây, rau xanh dồi dào nên sau 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng khoảng 2,2kg, giá bán 80.000 - 90.000 đồng/kg. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như cả nước đang rất lớn nên đầu ra luôn ổn định. Mỗi năm, anh Thọ có thu nhập từ 35-40 triệu đồng từ nuôi thỏ. Với gia đình nuôi nhiều, đến 100 thỏ sinh sản như anh Bùi Văn Viện (SN 1980) thì thu nhập mỗi năm lên tới 70-80 triệu đồng.

Theo anh Lê Quang Thọ, khi chưa có tổ hợp tác, các gia đình nuôi nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên không hiệu quả. Còn lúc có tổ hợp tác rồi, các hộ liên kết với nhau, mua thức ăn cùng nơi với số lượng lớn nên giá thành giảm; bán cùng một giá nên không xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán… từ đó thu nhập ổn định hơn.

Anh Thọ cho hay, Tổ hợp tác nuôi thỏ Đồng Hải đang tiếp tục kết nạp hội viên. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ có hai hội viên gia nhập tổ hợp tác.

Ông Dương Đức Hạnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện, cùng đội ngũ cán bộ đoàn từ huyện đến cơ sở nhiệt tình tư vấn, ủng hộ, tham gia nên có nhiều mô hình khởi nghiệp của nông dân trẻ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Quan trọng hơn là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đang góp phần hình thành, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Gio Linh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem