Nông thôn Trà Vinh “khát” vốn đầu tư công

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 18/10/2014 06:25 AM (GMT+7)
Đa số nông dân sản xuất nhỏ hiện nay chưa quan tâm, hoặc có quan tâm nhưng vẫn còn hiểu mù mờ về chính sách thuế của Nhà nước, cho dù họ có thể đóng thuế hàng ngày, chẳng hạn như mua hàng có “hóa đơn đỏ”... Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV NTNN tại Trà Vinh, điều này đang dần dần cải thiện. 
Bình luận 0

Phụ nữ ngày càng quan tâm về thuế

Đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi về huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) để tìm hiểu về mức độ quan tâm của nông dân đối với chính sách thuế hiện nay.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thuận Hòa (huyện Cầu Ngang) cho biết: “Hàng năm, địa phương có 4 ấp bị ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập là Rạch, Nô Công, Thủy Hòa, Thuận Hiệp và 3 ấp bị khô hạn là Sóc Chùa, Trà Kim, Thuận An. Cuộc sống người dân nơi đây ngày càng khó khăn. Hội Phụ nữ xã có 443 hội viên, thì trên 70% số hội viên thuộc diện nghèo và cận nghèo”. Vì thế, ngoài làm nông, nhiều phụ nữ còn mở các tiệm tạp hóa. Cũng từ đây, họ ngày càng quan tâm về các khoản thuế phải đóng và thường đưa những ý kiến góp ý với chính quyền, Chi cục Thuế huyện Cầu Ngang.

“Có một hội viên ở ấp Thủy Hòa nói với tôi, trước đây đóng thuế mua bán hàng hóa chỉ tính tiền 4 tháng trong 1 năm (mỗi tháng 100.000 đồng, tức 400 ngàn đồng/năm). Nhưng mới đây, địa phương lại kêu đóng đủ cả 12 tháng (tức 1,2 triệu đồng/năm). Chị này không chịu và cho rằng nên đóng theo quy định trước đây, vì cuộc sống của người dân mua bán vùng nông thôn còn rất thiếu thốn và làm ăn không có lời lãi nhiều” - chị Mai kể lại. Nhiều phụ nữ khác trong xã cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm về chính sách thuế vì bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Về nhu cầu việc làm để cải thiện sinh kế, chị Mai bày tỏ: “Hiện tại, ở địa phương không có cơ sở sản xuất gì lớn có thể thuê người hoặc chưa có cơ sở làm việc phù hợp với phụ nữ nên nếu được, chúng tôi rất muốn chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề, đồng thời mời gọi đầu tư, xây dựng các cơ sở may, cơ sở chế biến dừa, kết hạt cườm… để chị em có điều kiện tham gia sản xuất, ổn định kinh tế gia đình”.

Công trình công cộng nằm chờ vốn

Về các vấn đề liên quan đến thuế của người dân vùng nông thôn cũng như nhu cầu về các công trình đầu tư công từ tiền thuế, anh Lê Minh Luân, người dân ở ấp Rạch, xã Thuận Hòa nói: “Hiện nay, người dân chúng tôi phải đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất, thuế trước bạ... Riêng về thuế thu nhập cá nhân thì chúng tôi chưa phải đóng vì thu nhập thấp (dưới mức chịu thuế). Về đầu tư công, vài năm gần đây, tôi thấy đã bắt đầu có chuyển biến tốt, một số công trình đã được Nhà nước quan tâm đầu tư như: Năm 2011, đầu tư xây dựng trường cấp 2; năm 2013 đầu tư xây dựng hội trường nhà văn hóa xã…”.

Tuy nhiên, theo anh Luân, vẫn còn nhiều công trình công cộng cần được đầu tư cấp thiết, nhất là đường giao thông nông thôn. Cụ thể, ở ấp Rạch có con đường đan (dài trên 3.000m) đi qua, nối liền các ấp khác, hằng ngày có hàng ngàn người đi lại, trong đó có khoảng 300 học sinh nhưng con đường này thường bị ngập nước, người dân nuôi tôm và lúa thường bị mất mùa. Hiện nay, con đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có vốn đầu tư sửa chữa.

Ông Nguyễn Thành Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết thêm: “Xã Thuận Hòa là xã đặc biệt khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, các công trình công cộng cần đầu tư còn thiếu vốn rất nhiều. Chẳng hạn, toàn xã chỉ có 1 trạm cung cấp nước, thời gian qua, trạm này chỉ cấp cho 3 ấp, 4 ấp còn lại vẫn chưa có nước sạch. Ngoài ra, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp nhưng chưa có kinh phí”. Năm 2013, xã Thuận Hoà được giao thu ngân sách trên 500 triệu đồng nhưng không đạt chỉ tiêu. Theo lãnh đạo xã này, năm 2014 sẽ phấn đấu đạt 432 triệu đồng, chưa biết có đạt được không. Vì vậy, các xã vẫn phụ thuộc vào ngân sách từ tỉnh và Trung ương hỗ trợ xuống.

29 doanh nghiệp FDI được ưu đãi thuế

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch thu ngân sách trên toàn tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thọ - Trưởng phòng Tổng hợp –Nghiệp vụ - Dự toán (Cục Thuế tỉnh Trà Vinh) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã thu ngân sách được 1.135 tỷ đồng, đạt 92,29% kế hoạch; ước thu năm 2014 được 1.350 tỷ đồng/năm (đạt 109% kế hoạch năm).

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Những doanh nghiệp này và các doanh nghiệp trong tỉnh được hưởng ưu đãi theo chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp mà Trung ương quy định. Chính sách cho hưởng bao nhiêu thì tỉnh Trà Vinh cho hưởng bấy nhiêu, không hạn chế hay thu hẹp diện ưu đãi” - ông Thọ thông tin thêm.

Câu chuyện doanh nghiệp FDI được áp dụng chính sách ưu đãi thuế hậu hĩ và liên tục phát triển trong một thời gian dài, nhưng đóng góp rất ít ỏi cho ngân sách nhà nước (Việt Nam) được nhiều chuyên gia kinh tế phân tích kỹ và cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải sửa đổi chính sách ưu đãi thuế theo hướng giảm bớt ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, tăng thêm nguồn thu bổ sung cho ngân sách nhà nước, từ đó thêm cơ hội cho việc đầu tư công về khu vực nông thôn (xem thêm bài “Cần giảm bớt ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI”, NTNN số ra ngày 10.10.2014).

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem