NSND Lê Khanh đánh cược với “Nhà osin”

Thứ hai, ngày 01/10/2012 07:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lê Khanh đang thực sự đánh cược với danh tiếng của chị khi quyết tâm làm đạo diễn cho kịch bản “Nhà ô sin” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. PV NTNN đã trò chuyện với chị.
Bình luận 0

Thưa chị, buổi tập đầu tiên vở “Nhà ô sin” của các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, nhiều người thấy lạ vì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đến ngồi cùng diễn viên, quan sát họ và trả lời những thắc mắc của họ. Chị mời ông đến vì lý do gì?

- Từ chính những bài học “xương máu” của tôi khi còn là diễn viên hoặc khi chập chững vào nghề đạo diễn trước đây, tôi đã từng bối rối vô cùng vì khi tập kịch, có những câu hỏi mà tôi không biết phải hỏi ai. Tôi cũng đã từng chứng kiến những vở diễn mà sau khi lên sân khấu, tác giả kịch bản bất bình nói: “Đây không phải tác phẩm của tôi, tôi có định nói thế đâu”.

img
NSND Lê Khanh.

Giờ thì tôi muốn sửa chữa những sai lầm đó trong khả năng của mình. Tôi mời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến trong những ngày đầu để ông có thể nói cho diễn viên biết những ý muốn, những thông điệp của mình và yêu cầu đòi hỏi của ông với diễn viên. Và như bạn thấy đấy, ngay trong buổi đầu tiên, ông đã yêu cầu các diễn viên đừng diễn kịch mà hãy “chơi” kịch, đừng là “thợ diễn” mà hãy là nghệ sĩ, hãy làm mọi thứ một cách nhẹ nhàng.

Khi biết thông tin NSND Lê Khanh sẽ làm đạo diễn cho vở “Nhà ô sin” của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều người nghi ngờ, họ nói chị có quá ít kinh nghiệm làm đạo diễn, có làm nổi không?

- Đúng là so với bạn bè cùng lứa trong nhà hát như anh Chí Trung, Anh Tú, chị Lan Hương, tôi còn quá ít kinh nghiệm làm đạo diễn, nhưng tôi hoàn toàn tự tin ở mình, cứ làm đi, cứ đi đi rồi sẽ thành đường. Thay vì ngồi một chỗ lo lắng, ước đoán thì tôi chọn cách xuất phát. Sân khấu kịch VN giờ đang bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, đơn giản vì tất cả các khâu đều không chuyên nghiệp.

Đạo diễn nhiều khi “ôm” luôn cả công việc của nhạc sĩ, họa sĩ; còn diễn viên thì chỉ diễn và diễn theo chỉ đạo của đạo diễn, đánh mất chính mình. Tôi có thể thông cảm được vì chúng ta nghèo khó quá, chỉ loanh quanh với cái bục gỗ vuông cũ mèm hàng bao nhiêu chục năm, trong khi sân khấu các nước có sự phụ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại, họ đã tiến lên tới chỗ mà mình không còn chạy theo được nữa. Nhưng trong khả năng của mình, tôi sẽ yêu cầu cả ê kíp, tất cả các khâu đều phải chuyên nghiệp, khán giả giờ tinh lắm, làm sao có thể lấp liếm cho qua chuyện được.

Chị thú vị với điều gì nhất ở “Nhà ô sin”?

- Đó là vở kịch về những con người, không phải là những nhân vật kịch. Trước tới giờ, chúng ta hay quan niệm, nhân vật là phải có tốt có xấu, một vở kịch làm ra phải lên án điều này điều nọ. Trong “Nhà ô sin” không có ai xấu, không có ai tốt, mà chỉ có những con người, đã là người thì phải có lúc đúng lúc sai, như thiện và ác lúc nào cũng hiện diện song song.

Có 7 nhân vật nhưng họ là đại diện cho cả gương mặt của xã hội hôm nay. Chuyện thì có gì đâu, một ông đại tá già sống trong một ngôi nhà toàn ô sin và một cái kết mở. Nhưng xuyên qua đó là hành trình để chúng ta nhận diện bản thân, có khi nào tất cả chúng ta đều trở thành ô sin- một “người ở” trong cuộc đời của chính mình? Đó là một quá trình tự vấn sâu sắc.

“Nhà ô sin” là vở kịch chỉ có 2 hồi, 7 nhân vật, được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tự bạch là viết vào lúc “chưa bao giờ chán nản tuyệt vọng đến thế về cuộc sống”. Vở diễn có sự tham gia của các diễn viên: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, Nguyệt Hằng, Hoa Thúy, Tú Oanh, Bá Anh...

Trong khi kịch Nam xoay xở đủ mọi cách để tồn tại bằng kịch bệt, kịch “sex tả thực”, kịch kinh dị... thì kịch Bắc có vẻ khá lúng túng trong việc tiếp cận và lôi kéo khán giả. Chị có tin là “Nhà ô sin” sẽ hút khách, sẽ làm nên hiện tượng?

- Là một đạo diễn, khi bắt tay vào dựng vở, ai không mơ đến thành công. Tôi tin là nếu mình cố gắng để đạt tới sự chuyên nghiệp chắc khán giả cũng không đến nỗi bỏ qua khát khao đó của mình. Nhưng cái tôi lo hơn là liệu có người nào đồng hành với những vấn đề mà tác giả, đạo diễn và các nghệ sĩ hướng tới hay không?

Đặc thù của sân khấu là sự cộng hưởng, sẽ thật may mắn nếu khán giả, nghệ sĩ cùng tìm được tần số chung, còn có nhiều khi, nghệ sĩ “phát sóng” mà khán giả không “bắt sóng” được thì lại là một điều thiệt thòi cho vở diễn. Giờ thì tôi chưa dám nói trước điều gì, hy vọng mọi việc suôn sẻ để vào cuối tháng 10 tới, “Nhà ô sin” sẽ ra mắt khán giả.

Xin cảm ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem