Nước mắt của những cha mẹ có con là hikikomori ở Nhật Bản

Thứ bảy, ngày 08/10/2022 16:20 PM (GMT+7)
Naoto (16 tuổi) là một hikikomori - người sống ẩn dật. Cậu bỏ học, nhốt mình trong nhà, đánh đập mẹ tới mức nhập viện khi bà không cho tiền mua video anime.
Bình luận 0

Naoto (16 tuổi) là một hikikomori - người sống ẩn dật. Cậu bỏ học, nhốt mình trong nhà, đánh đập mẹ tới mức nhập viện khi bà không cho tiền mua video anime.

Nước mắt của những cha mẹ có con là hikikomori ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Người trẻ tự cô lập mình, từ chối hòa nhập xã hội là vấn đề đáng báo động tại Nhật Bản. Ảnh: YUTA ONODA.

Ông Takeshi Oshikawa sử dụng những phương pháp đặc biệt để giúp những hikikomori (người sống ẩn dật) tái hòa nhập xã hội. Người đàn ông 54 tuổi gọi mình là "người thuyết phục".

Khách hàng của ông thường là người thân của hikikomori. Không có cách nào để giúp đỡ thành viên trong gia đình vượt qua các vấn đề tâm lý khác nhau, họ giao phó trách nhiệm thuyết phục đi chữa trị cho Oshikawa.

Hikikomori là thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người đã tự cô lập bản thân khỏi xã hội, trong thời gian 6 tháng trở lên. Chính phủ Nhật Bản ước tính có hơn 1 triệu hikikomori ở nước này. Số người trẻ tuổi thu mình trước xã hội có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Xin hãy giết con tôi

Trong 30 năm đảm nhận vai trò này, Oshikawa đã giải quyết nhiều ca khó, đôi khi là cả bạo lực gia đình.

Trong đó có cậu bé 16 tuổi Naoto (không phải tên thật). Sau khi cha bỏ rơi mẹ để chạy theo nhân tình, Naoto tự nhốt mình trong nhà và không chịu đến trường. Theo thời gian, mọi thứ ngày càng tệ đi và cậu có xu hướng hành động bạo lực.

Naoto liên tục đòi tiền mẹ để mua đồ và video liên quan đến anime bất hợp pháp. Cậu sẽ đấm và đá vào người mẹ khi bà không cho. Mẹ cậu thậm chí đã phải nhập viện.

Người mẹ sống trong nỗi sợ hãi thường trực về con trai mình. Sức khỏe tâm thần của bà bị ảnh hưởng và cần được giúp đỡ về mặt tâm lý.

Nước mắt của những cha mẹ có con là hikikomori ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Ngày càng nhiều người trẻ Nhật Bản chọn sống ẩn dật. Ảnh: Ushico/PIXTA.

Cuối cùng, bà tìm kiếm sự giúp đỡ từ Oshikawa. Ông đã hỏi ý kiến từ Trung tâm Trẻ em, họ nói sẽ hỗ trợ, đồng thời đề nghị ông phối hợp với cảnh sát.

Với sự đồng ý của mẹ Naoto, ông Oshikawa và nhóm của mình đã theo dõi hành vi của cậu bé trong khoảng thời gian 2 tuần trước khi tới nói chuyện với cậu. Những gì diễn ra sau đó là một cuộc thảo luận căng thẳng kéo dài 2 giờ.

Oshikawa nghiêm khắc nói với cậu thiếu niên 16 tuổi: "Cháu đang mua những món đồ bất hợp pháp. Cháu còn đe dọa mẹ vì tiền. Mẹ của cháu nói rằng mỗi ngày bà ấy đều nghĩ đến cái chết. Bà ấy muốn tự tử. Mẹ cháu chẳng còn tiền nữa".

Cuối cùng, khi cuộc trò chuyện kết thúc, Naoto cũng đồng ý nhập viện để điều trị.

Ông Oshikawa đã xuất bản một bộ truyện tranh với tiêu đề báo động - “Parents Who Say Please Kill My Child” (tạm dịch: Cha mẹ nói xin hãy giết con tôi) - để chia sẻ lại kinh nghiệm của mình trong vai trò người thuyết phục.

Đó là một phần nỗ lực của ông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về hoàn cảnh của những người có thành viên trong gia đình mắc chứng bệnh tâm thần.

Mạng lưới hỗ trợ

Chỉ 10% trong số hơn 1.000 trường hợp mà Oshikawa đã giải quyết là những người dưới 20 tuổi, nhưng không phải vì trẻ em và thanh niên ít gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Các chuyên gia cho biết nhiều cha mẹ có xu hướng trì hoãn tư vấn khi các triệu chứng xuất hiện.

Dữ liệu của chính phủ vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về sức khỏe tinh thần của trẻ em Nhật Bản. Một con số kỷ lục, tương đương 196.000 trẻ em từ chối đến trường trên toàn quốc.

Tình trạng tự tử ở trẻ em đang gia tăng. Năm 2020, cảnh sát báo cáo 499 trường hợp, con số này cao hơn gần 70% so với hơn 10 năm trước.

Ông Hajime Nishida, thành viên hội đồng và là chủ một trại trẻ mồ côi ở thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, cho biết sẽ mở một cơ sở mới cho trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nước mắt của những cha mẹ có con là hikikomori ở Nhật Bản - Ảnh 3.

“Người thuyết phục” Takeshi Oshikawa và ông Hajime Nishida bên trong trại trẻ mồ côi. Ảnh: CNA.

Dự án mới của ông Nishida nhằm thành lập một cơ sở riêng dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi các sự kiện đau thương, nó trở nên khả thi sau khi chính phủ sửa đổi luật để tăng cường hỗ trợ những trẻ em như vậy cho đến khi chúng 22 tuổi.

Ban đầu, ông Nishida đặt mục tiêu nhận 6 trẻ vị thành niên, chủ yếu từ trại trẻ mồ côi của mình, sẵn sàng tiếp nhận những người khác có nhu cầu.

Các trại trẻ mồ côi ở Nhật Bản không được trang bị để cung cấp liệu pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần, bất chấp thực tế những nơi này tập trung chủ yếu trẻ em là nạn nhân của lạm dụng và bỏ rơi - những người thường có dấu hiệu của căng thẳng sang chấn.

Trẻ em có dấu hiệu vấn đề tâm thần rõ ràng được hỗ trợ để vào các bệnh viện chuyên khoa.

"Chúng tôi sẽ cố gắng đưa những hikikomori trẻ đến đây, giúp họ học cách làm việc nhà, sau đó giúp họ đi chơi. Sẽ rất khó, nhưng chúng tôi hy vọng họ có thể hòa mình vào xã hội", ông Nishida cho biết.

Tại Kitakyushu, ông Nishida đặt mục tiêu tạo ra một mạng lưới hỗ trợ với chuyên môn của ông Oshikawa.

Tuy nhiên, ông Nishida cho biết nếu không có sự hỗ trợ của các gia đình, các cơ sở của ông chỉ có thể giải quyết "phần nổi của tảng băng".

"Tôi tin rằng vấn đề nằm ở các gia đình. Chúng ta không chỉ nên chỉ quan tâm đến những đứa trẻ. Tôi tin rằng cần hỗ trợ từng hộ gia đình", ông nói.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, cứ 30 người thì có một người có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nước này, và cứ 5 người sẽ có 1 người mắc bệnh tâm thần trong suốt cuộc đời.

Theo Đinh Phạm (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem