Nuôi con vật “khó tính” đáng yêu, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh

Trần Hậu - Tuyết Nhung Chủ nhật, ngày 17/12/2023 05:44 AM (GMT+7)
Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, cộng với bản tính ham học hỏi, dám nghĩ dám làm và mạnh dạn khởi nghiệp, anh Lê Đình Khoa (38 tuổi, trú thôn Phú Phước, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang từng bước vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi thỏ.
Bình luận 0

Tấm gương tiêu biểu về tinh thần khởi nghiệp

Tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề, anh Khoa loay hoay mãi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. 

Sau đó, anh quyết định đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc 5 năm với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm và có một số vốn để làm ăn. 

Năm 2015, anh trở về quê nhà và quyết tâm làm giàu với mô hình nuôi thỏ mà xưa nay trong vùng chưa ai nuôi.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 1.

Anh Lê Đình Khoa (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ từ năm 2015. Ảnh: T.N.

Anh Khoa chia sẻ: "Khi còn lao động ở Hàn Quốc, thì tôi biết đến con thỏ không chỉ là thú cưng mà còn là vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao nên rất thích thú. 

Cứ rảnh rỗi là lên mạng tìm hiểu về loài thỏ, cách nuôi, càng tìm hiểu tôi càng thấy mê nó. 

Vì thế, sau khi về quê tôi đã dùng số vốn 150 triệu đồng để bắt tay ngay vào việc xây dựng chuồng trại và mua 50 con thỏ giống về nuôi".

Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, đàn thỏ phát triển chậm, thỏ con sinh ra đều chết dần. 

Nhưng không vội nản lòng, anh vẫn tiếp tục nuôi, khắc phục khó khăn và xem thất bại là một bài học kinh nghiệm quý giá để đi đến thành công.

Theo anh Khoa, con thỏ cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với những vật nuôi truyền thống. 

Nhưng, đây là loài vật "khó tính", khó nuôi, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, chịu khó và am hiểu rõ đặc tính sinh trưởng của nó thì mới có thể cho hiệu quả kinh tế ổn định.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 2.

Hiện nay, anh Khoa, nông dân thôn Phú Phước, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, (tỉnh Quảng Nam) đang nuôi đàn thỏ với số lượng 1.700 con, với 200 thỏ nái. Ảnh: T.N.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 3.

Chuồng trại được xây khép kín, gồm hệ thống làm mát, quạt thông gió, chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động.... Ảnh: T.N.

Trong quá trình nuôi thỏ, anh không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm đến các trại nuôi thỏ cho hiệu quả cao để tham quan, trao đổi kỹ thuật và mua giống.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 4.

Thức ăn của thỏ là rau, củ, quả, cám viên. Ảnh: T.N.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 5.

Anh Khoa nhận thấy khi nuôi nhốt thỏ tập thể thì thỏ thịt mau lớn hơn, ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm diện tích chuồng. Ảnh: T.N.

Đến nay, anh Khoa nuôi thỏ trên tổng diện tích 260m2 và được chia làm 2 trại. Một trại nuôi thỏ thương phẩm luôn được giữ nhiệt độ trên 30 độ C (trại nóng), trại còn lại nuôi thỏ sinh sản nên mức nhiệt dao động từ 27-30 độ C (trại lạnh).

Chuồng trại được anh xây dựng hoàn toàn khép kín, gồm hệ thống làm mát, quạt thông gió, chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động... đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển.

Đặc biệt, các dãy chuồng thỏ được bố trí cao hơn nền đất khoảng 1m để phân, nước tiểu và thức ăn thừa rơi xuống lớp đệm lót sinh học. 

Nhờ đó, chuồng trại luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế mầm bệnh phát sinh và trong 3 tháng sẽ dọn vệ sinh chuồng một lần.

Hiện nay, anh Khoa đang thử nghiệm cách nuôi nhốt thỏ tập thể thay vì nuôi mỗi con một ngăn chuồng và bước đầu nhận thấy rất hiệu quả. 

Bởi khi nuôi thỏ cùng lứa với nhau thì sẽ không tốn nhiều diện tích chuồng, thỏ thịt mau lớn hơn và ít tốn công chăm sóc.

Vươn lên làm giàu

Thức ăn của thỏ khá phổ biến, chủ yếu là các loại rau, củ, quả và cám viên chỉ dành riêng cho thỏ. Nhờ thành phần thức ăn chứa nhiều chất xơ nên hệ tiêu hóa thỏ hoạt động tốt, phát triển khỏe mạnh, thịt thơm ngon hơn.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 6.

Thỏ thịt nuôi được 4 tháng sẽ xuất bán với giá từ 90.000-110.000 đồng/kg (2-2,2kg). Ảnh: T.N.

Mỗi ngày anh Khoa cho thỏ ăn 2 lần và ăn rau đã ráo nước nhằm phòng tránh bệnh về đường ruột (tiêu chảy). Bởi khi mắc bệnh này thỏ chết rất nhanh, cách chữa bệnh hữu hiệu nhất là giảm lượng thức ăn lại và bổ sung rau.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 7.

Mô hình nuôi thỏ đem lại cho gia đình anh Khoa mức lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: T.N.

Anh Khoa chia sẻ kinh nghiệm: "Mỗi khi cho thỏ ăn sẽ là lúc tôi quan sát, đánh giá tình trạng phát triển để kịp thời xử lý nếu có dịch bệnh xảy ra. Con thỏ khỏe mạnh thì khi thấy thức ăn nó sẽ nhảy lên, mừng rỡ, ăn mạnh, còn nếu thỏ kém ăn, mệt mỏi thì tách đàn để chăm sóc riêng.

Đặc biệt, thỏ thường mắc bệnh nấm da, đây là bệnh không nguy hiểm nhưng khiến con vật kém phát triển, còi cọc, để lâu khó điều trị. 

Vì vậy, khi thỏ con được 12 ngày tuổi tôi sẽ nhỏ thuốc phòng bệnh nấm da, đồng thời luôn giữ chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ".

Để thỏ sinh sản đạt hiệu quả cao, anh Khoa chọn những con thỏ bố mẹ tinh nhanh, dài đòn, tai đứng, không lỡ loét da. 

Thỏ cái trưởng thành sau 5 tháng sẽ được giao phối. Thỏ là loài mắn đẻ, trung bình một con thỏ đẻ 9 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 6 con. 

Thỏ con sau 25 ngày được tách mẹ và có thể xuất bán giống (tùy theo yêu cầu của khách hàng), nuôi khoảng 4 tháng là được xuất bán thịt.

Nuôi con vật “khó tính”, anh nông dân Quảng Nam thu tiền rủng rỉnh quanh năm - Ảnh 8.

Thỏ là loài mắn đẻ, trung bình một con thỏ đẻ 9 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 6 con. Ảnh: T.N.

Hiện nay, Trại thỏ Tuấn Anh của anh Khoa có tổng đàn là 1.700 con, với 200 thỏ nái. 

Mỗi tháng, anh xuất chuồng khoảng 500 con thỏ các loại, thỏ thịt có giá 90.000-110.000 đồng/kg (2-2,2kg), thỏ nuôi cảnh 80.000/con (tùy kích cỡ), thỏ hậu bị 110.000 đồng/kg.

Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi thỏ đem lại cho gia đình anh mức lãi khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Khoa luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi thỏ cho thanh niên, bà con nông dân địa phương.

Anh Khoa bộc bạch: "Nuôi thỏ không tốn nhiều sức lao động, chi phí thức ăn thấp mà mang lại lợi nhuận cao, rất phù hợp với bà con nông dân vùng nông thôn muốn có thêm thu nhập. 

Vì thế, tôi luôn cung cấp con giống với giá cả phải chăng, bao tiêu đầu ra để bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế bền vững".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem