Nuôi trâu có thể làm giàu

Thứ bảy, ngày 09/10/2010 22:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trâu rất dễ huấn luyện, dễ điều khiển, làm được tất cả các việc nặng nhọc. Đặc biệt, trâu chịu đựng gian khổ rất tốt. Nó không đòi hỏi gì nhiều về chuồng trại, về thức ăn và vẫn sẵn sàng làm việc quần quật.
Bình luận 0

Đi qua Thanh Sơn, Tân Sơn của Phú Thọ, tôi lên Phù Yên, Bắc Yên của Sơn La. Đường đèo dốc, ngoằn ngoèo nên cứ tưởng là xa, nhưng tính ra cũng chỉ độ trên dưới 200km. Ở đây, đất đai còn bao la. Những chú trâu béo mọng lặc lè đi bên vệ đường.

img
Nuôi trâu mang lại nhiều nguồn lợi.
 

Vào thăm bà con mới biết, trâu dễ nuôi, cứ mặc cho nó tự đi kiếm ăn rồi nó sẽ tự về. Nhà nào cũng nuôi 1-2 con. Rất ít nhà nuôi tới 5-7 con. Hỏi: “Có ai nuôi tới 100 con không?”. Bà con cười, lắc đầu...

Ngày xưa các cụ bảo: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Điều đó đến nay vẫn đúng, đặc biệt với bà con ở vùng cao. Trâu gắn với nền văn minh lúa nước. Ruộng khô, ruộng ướt, ruộng lầy thụt nó cũng cày. Trâu làm quần quật cả ngày mà có kêu ca gì đâu. Ăn uống đạm bạc, toàn cỏ với rơm thế mà trâu vẫn béo, vẫn khỏe, vẫn kéo cày ầm ầm. Có nhà nuôi trâu cốt để lấy phân.

Nguồn phân trâu rất nhiều. Bây giờ người ta còn lấy phân trâu để nuôi giun đất cung cấp cho gà, vịt, cá và các loài thủy đặc sản khác nữa. Ở nông thôn hình như thịt trâu vẫn là loại thịt thịnh hành nhất. Còn ở thành phố, thịt trâu được coi là đặc sản đấy.

Trâu nuôi rất dễ. Chúng ăn thức ăn xanh là chính. Trâu không cạnh tranh với thức ăn của người, của lợn và của gia cầm. Nó sống ở đâu cũng được, từ rừng cao núi thẳm tới sông suối, đầm lầy. Có nơi, bà con còn thả trâu vào rừng, tới mùa cày cấy mới gọi về.

Trâu rất hiền lành, ai chăn cũng được. Thậm chí có gia đình cứ thả trâu ra, mặc kệ nó tự đi kiếm ăn. Tới tối, nó sẽ tự tìm đường về nhà. Chúng rất giỏi nhớ đường, chả bao giờ vào nhầm nhà khác.

Trâu rất dễ huấn luyện, dễ điều khiển, làm được tất cả các việc nặng nhọc. Đặc biệt, trâu chịu đựng gian khổ rất tốt. Nó không đòi hỏi gì nhiều về chuồng trại, về thức ăn và vẫn sẵn sàng làm việc quần quật. Điều này thì nó hơn hẳn cả bò.

Ở các vùng có điều kiện mà không tiến hành nuôi trâu thì thật là phí. Tại sao ta chỉ nuôi 2-3 con mà không nuôi luôn một thể tới 7-8 con hoặc nhiều hơn nữa. Con trâu cũng có thể giúp bà con ta làm giàu nếu như ta có kế hoạch nuôi với quy mô lớn. Rất nhiều vùng thừa điều kiện nhưng lại thiếu quyết tâm.

Tuy nhiên, khi nuôi trâu ta cũng nên lường trước một số nhược điểm của nó. Thứ nhất, trâu là loài động vật đơn thai, thời gian xuống thai tới gần 1 năm. Đã thế, sau khi đẻ phải tới 6 tháng mới có thể động đực trở lại. Vì vậy, tốc độ tăng đàn của chúng còn chậm hơn cả bò. Thứ hai, nó chịu rét kém. Nếu không chú ý che chắn chuồng trại và đảm bảo đủ thức ăn trong mùa đông thì trâu cũng dễ bị đổ.

Nhưng nhìn chung, nếu ta làm công tác hậu cần cho trâu tốt thì chắc chắn con trâu sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho chúng ta. Xin hãy trở lại với nghề nuôi trâu.n

Email: 1001cachlaman@gmail.com 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem