“Ốc đảo” Đưng K’nớ - Bài cuối: Rơi vào vòng luẩn quẩn

Thứ sáu, ngày 07/10/2011 15:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau khi thành lập, xã Đưng K’nớ đã được đầu tư khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng. Cuộc sống của người dân nơi đây dần được cải thiện... Thế nhưng đà phát triển này đã bị chặn lại sau khi đường Đông Trường Sơn được khởi công...
Bình luận 0

Vì bốn bề là núi rừng âm u nên mùa mưa ở Đưng K’nớ có khi kéo dài từ 8 - 9 tháng/năm. Khi đường Đông Trường Sơn chưa được phóng tuyến, dù Tỉnh lộ 722 chỉ là một con đường nhỏ, nhưng việc thông thương vẫn rất dễ dàng.

img
Đưng K’nớ đang phát triển... lùi vì việc thi công bất cập của đường Đông Trường Sơn.

Phát triển… ngược

Tháng 9.2005, đường Đông Trường Sơn được khởi công. Liền sau đó là một lượng xe cộ rất lớn lưu thông trên con đường này. Đất mới vừa san ủi cùng nước mưa dưới sự nhào nặn “tích cực” của xe cộ khiến đường vào Đưng K’nớ mỗi ngày một lầy lội thêm. 6 năm qua, đường Đông Trường Sơn từ Lán Tranh vào tới xã Đưng K’nớ ngoài việc phóng tuyến, lắp đặt cống dẫn nước qua các con suối và xây dựng một vài đoạn mương ra thì hầu như không có tác động gì thêm. Đấy là nguyên nhân chủ yếu khiến đời sống người dân Đưng K’nớ rơi vào vòng luẩn quẩn, phát triển... ngược.

Từ việc đi lại khó khăn, mọi thứ hàng hóa ở Đưng K’nớ đều được đẩy giá lên rất cao. Hiện tại, hầu hết các nhu yếu phẩm như xăng dầu, gạo, mì tôm… đều có giá cao hơn từ gấp rưỡi đến 2 lần so với ngoài TP.Đà Lạt. Và nếu “ký nợ”, người dân còn phải chịu mức giá cao hơn. Trong khi đó, sản phẩm của họ bán ra thì ngược lại.

Hiện một kg cà phê tươi các nơi khác được mua từ 13.000 - 14.000 thì ở Đưng K’nớ chỉ bán được 5.000 đồng. Tuy nhiên, nếu tự ra ngoài thành phố để mua- bán thì người dân còn phải chịu thiệt hơn nhiều.

Theo chị Đinh Thị Hiền, trong điều kiện như hiện nay để tự mua một bao gạo 50kg từ TP.Đà Lạt, người dân phải chi phí đến hơn 1 triệu đồng, còn nếu mua lại của các tư thương tại chỗ chỉ mất khoảng 700.000 đồng.

Đấy là nguyên nhân tại sao người dân không thể tự mua- bán mà đều phải qua tay các tư thương trong xã. Trong khi đó, thu nhập của người dân ở đây chỉ dựa vào tổng cộng 30ha trồng lúa một vụ và khoảng 8 sào cà phê/hộ, cùng số tiền ít ỏi từ việc chăm sóc bảo vệ rừng.

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay khiến cho 49,5% số dân ở Đưng K’nớ luôn trong cảnh nợ nần, nghèo khó. Hầu hết người dân đều rơi vào cảnh “giáp hạt” suốt hơn nửa năm.

Bế tắc đủ đường

Giao thông khó khăn không chỉ khiến đời sống kinh tế của người dân túng quẫn mà còn kéo theo hàng loạt các vấn đề khác rơi vào bế tắc. Cách đây chừng 4 năm, con ông chủ tịch xã cũ Bon Niêng Ha Kriêng đã chết trên đường chuyển viện. Sau đó, ông Ha Kriêng cũng chết vì không được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Chồng bà Chin Kpai (thôn 2) cũng chung cảnh ngộ. Hàng chục ca đẻ khó cuối cùng cũng phải đẻ… trên đường ra Lán Tranh.

Mới đây, bệnh nhân Lơ Mu Đa Ly lên cơn đau đầu dữ dội, bác sĩ của trạm không thể chẩn đoán được bệnh. Thế nhưng khi cho chuyển viện, anh này lại năn nỉ: “Nếu phải chết thì để tôi chết ở nhà chứ đừng bắt tôi chết dọc đường”.

Chị Phạm Thị Khuyên - cán bộ y tế xã cho biết, không chỉ riêng trường hợp Lơ Mu Đa Ly mà hầu hết các ca bệnh nặng được cho chuyển viện đều lắc đầu từ chối vì không muốn… chết dọc đường. Họ sẵn sàng viết cam kết để được ở lại mặc dù biết tại trạm y tế xã không có thuốc và bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho họ…

Chỉ mơ một con đường nhỏ

Trước tình hình cấp bách như hiện nay, ngay sau khi cấp gạo cứu đói cho dân, UBND huyện Lạc Dương cũng đã có công văn gửi Vườn quốc gia Bi Duop- Núi Bà, Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim, đề nghị quy đổi số tiền quản lý bảo vệ rừng ra gạo để cấp phát cho dân.

Xác định mấu chốt của vấn đề chính xuất phát từ việc thi công đường Đông Trường Sơn, nên một cuộc họp giữa chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án 46 thuộc Bộ Quốc phòng) cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương đã diễn ra. Tuy nhiên, cuộc họp này cũng mới chỉ dừng lại ở mức tìm phương án giải quyết tức thời.

Theo đó, cách khắc phục là giao cho hai đơn vị thi công (Công ty TNHH MTV 7.5 và Công ty 470) dùng gỗ tận thu hai bên đường và mua gỗ của Dự án Thủy điện Yan Tan Sien để kết bè đảm bảo cho xe có trọng tải 2 tấn có thể chở lương thực, thực phẩm vào tận xã.

Theo Chủ tịch xã Bon Niêng Ha Liêng, thì chỉ sau khi thu hoạch cà phê được 3 tháng là người dân hết tiền và bắt đầu “ký nợ” ở các quán từ những thứ nhỏ nhất, chờ vụ cà phê sau.

Dự kiến tất cả các việc này sẽ được hoàn thành trong 10 ngày. Tuy nhiên, dường như quyết tâm này có vẻ “duy ý chí”. Bởi trước hết sẽ phải cần một lượng gỗ rất khổng lồ mà dường như người đề xuất ý kiến trên chưa tính đến. Hàng loạt điểm nền đất được nâng cao 3-4m cũng là một khó khăn để bè gỗ có thể đưa được xe qua các vũng lầy.

Đến sáng 5.10, ông Phạm Triều - Phó Chủ tịch huyện Lạc Dương cho biết, đơn vị chủ đầu tư đã bắt tay vào việc thông đường, nhưng do lực lượng mỏng nên việc này đang tiến hành “từ từ”.

Về kế hoạch lâu dài, ông Triều cho biết, cách duy nhất là bắt buộc đơn vị thi công phải hoàn thành công trình trong mùa khô. Có nghĩa là đơn vị thi công phải nỗ lực để hoàn thành việc mà suốt hơn 5 năm qua họ vẫn chưa thể làm được- một nhiệm vụ quá lớn nếu không muốn nói là bất khả thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem