Ông Nguyễn Văn Giàu: Diễn biến giá thịt lợn vừa qua là một nỗi đau

Lương Kết Thứ hai, ngày 15/05/2017 19:30 PM (GMT+7)
Phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng diễn biến của giá thịt lợn như thời gian vừa qua là một nỗi đau. Chúng ta hoàn toàn có khả năng dự báo, cảnh báo và đưa ra các giải pháp tốt hơn...
Bình luận 0

Mất mát của nông dân là rất lớn

Sáng 15.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

img

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại  cho rằng thiệt hại của người nuôi lợn do giá giảm, khó tiêu thụ là rất lớn. Ảnh: Văn Bình 

Giá thịt lợn xuống thấp, Chính phủ phải “giải cứu”. Cần đánh giá lại tại sao với tình huống như thế, cấp vĩ mô như Chính phủ lại phải vào “giải cứu”? Khâu dự báo chúng ta đã làm tốt chưa? Nếu khâu dự báo làm tốt thì chắc không phải “giải cứu” như vừa qua”...

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ 

Trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày có đề cập đến vấn đề chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn, đối mặt với tình trạng giá cả giảm mạnh do dư thừa cung nghiêm trọng.

Từ tháng 11. 2016 đến nay, do thương lái Trung Quốc hạn chế nhập khẩu dẫn tới đàn lợn đến lứa xuất bán dư thừa, giá bán giảm mạnh xuống dưới giá thành sản xuất, thấp nhất từ trước tới nay và cũng là mức giá thấp nhất thế giới. Trong khi đó khâu chế biến, tiêu thụ trong nước còn yếu, xuất khẩu không đáng kể. Người chăn nuôi thua lỗ, vì vậy khó khăn của ngành chăn nuôi có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng và đến toàn bộ nền kinh tế nói chung.

“Mặc dù các cấp, các ngành đã vào cuộc để tìm kiếm các giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn trong ngắn hạn và giá bán thời điểm cuối tháng 4 có tăng nhẹ do phía Trung Quốc nhập khẩu trở lại, nhưng dự báo  khó khăn vẫn chưa thể giải quyết triệt để, cần có những giải pháp căn cơ hơn trong dài hạn, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững ngành chăn nuôi lợn” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay.

Góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói: Diễn biến của giá thịt lợn là nỗi đau của chúng ta. Chúng ta có thể dự báo, cảnh báo đưa ra các giải pháp tốt hơn để không dẫn đến chuyện thịt lợn thừa và rớt giá như vừa qua.

Theo ông Giàu, hiện trong báo cáo chưa thấy tính toán từ việc khủng hoảng giá thịt lợn làm cho GDP giảm bao nhiêu, nhưng giảm có thể thấy là sự mất mát của người nông dân rất lớn.

Xem lại khâu thị trường, phân phối

Đồng tình với ý kiến phát biểu của ông Giàu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết thêm: Nông nghiệp là ngành mũi nhọn, tuy nhiên những năm vừa qua và trong những tháng đầu năm 2017, thường diễn ra việc phải “giải cứu” nông sản. “Giá thịt lợn xuống thấp, Chính phủ phải “giải cứu”, đó là trách nhiệm, nhưng cần đánh giá lại tại sao với tình huống như thế cấp vĩ mô như Chính phủ lại phải vào “giải cứu”. Trong công tác kế hoạch khâu dự báo chúng ta đã làm tốt chưa? Tôi nghĩ nếu khâu dự báo làm tốt thì chắc không phải “giải cứu” như vừa qua” - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.

Vẫn theo ông Tỵ, thịt lợn hay các sản phẩm nông nghiệp khác, chúng ta có cơ quan chuyên môn đánh giá, dự báo thị trường những năm tới, tất nhiên vấn đề này còn liên quan đến thế giới, khu vực nhưng làm sao cố gắng để không xảy ra những chuyện như thịt lợn, dưa hấu... ế ẩm, rớt giá.

Từ phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đầu tư chỉ đạo vĩ mô cần dài hơn, chủ động hơn để người dân không phải chịu những hậu quả thiệt hại. “Nói đến giải cứu phải là tình huống rất lớn, liên quan đến vấn đề rất đột xuất của thế giới, của khu vực, như chiến tranh, thảm họa thiên tai..., những việc đó cần giải cứu là đương nhiên. Còn chuyện thông thường mà chúng ta phải giải cứu thì phải xem xét lại” - Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nói.

Theo ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong phát triển quan trọng là sự bền vững nền kinh tế. Chúng ta cần quan tâm thị trường trong nước như thế nào. Ông cho rằng, hiện chúng ta vẫn chưa làm chủ thị trường trong nước.

“Vì sao thịt lợn hơi của người nông dân bán với giá rất thấp, trong khi giá thịt ở chợ, siêu thị không thay đổi. Phải chăng hệ thống phân phối của chúng ta không chi phối mạnh, người nông dân bán chưa đến 30.000 đồng/kg thịt lợn hơi mà trong siêu thị bán 100.000 đồng/kg, tại sao, vấn đề gì đặt ra ở đây?” - ông Phan Thanh Bình đặt vấn đề.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, điều đầu tiên là cần thắng trên thị trường chúng ta, khi ta bước ra thị trường thế giới theo các hiệp định thương mại đã ký thì chúng ta có những sản phẩm nào có thể cạnh tranh. “Cần quan tâm đến vấn đề nông nghiệp và phân phối, đừng đề người dân cứ sản xuất xong là chúng ta phải giải cứu sản phẩm của họ” - ông Phan Thanh Bình nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem